25 hành vi cấm cán bộ, công chức thực hiện trong lĩnh vực đất đai

Cũng như các lĩnh vực khác thì pháp luật quy định những hành vi công chức không được làm trong lĩnh vực đất đai. Đối với cán bộ, công chức vi phạm nếu chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý kỷ luật khi còn thời hiệu.

Lưu ý: Bài viết này chỉ đưa ra các hành vi vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm.

Toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật về đất đai

Điều 97 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai mà theo đó cán bộ, công chức, viên chức có thể bị xử lý kỷ luật nếu bị phát hiện và còn thời hiệu, cụ thể:

* Vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới hành chính

1. Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính.

2. Cắm mốc địa giới hành chính sai vị trí trên thực địa.

* Vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

3. Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định.

4. Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5. Không công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất; không báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

* Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

6. Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích đất trên thực địa.

7. Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

8. Giao lại đất, cho thuê đất trong khu công nghệ cao, khu kinh tế, cảng hàng không, sân bay dân dụng không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

9. Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi; không công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

10. Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

11. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi; làm sai lệch hồ sơ thu hồi đất; xác định sai vị trí và diện tích đất bị thu hồi trên thực địa.

12. Thu hồi đất không đúng thẩm quyền; không đúng đối tượng; không đúng với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Vi phạm quy định về trưng dụng đất

13. Thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường, thời hạn bồi thường cho người có đất bị trưng dụng.

14. Trưng dụng đất không đúng các trường hợp quy định.

* Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý

15. Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích.

16. Sử dụng đất sai mục đích.

17. Để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát.

* Vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất

18. Không nhận hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ, không hướng dẫn cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ, gây phiền hà đối với người nộp hồ sơ, nhận hồ sơ mà không ghi vào sổ theo dõi.

19. Tự đặt ra các thủ tục hành chính ngoài quy định chung, gây phiền hà đối với người xin làm các thủ tục hành chính.

20. Giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ký cho người xin làm thủ tục hành chính.

21. Giải quyết thủ tục hành chính chậm so với thời hạn quy định.

22. Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật về đất đai đã đủ điều kiện để thực hiện.

23. Thực hiện thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền.

24. Quyết định, ghi ý kiến hoặc xác nhận vào hồ sơ không đúng quy định gây thiệt hại hoặc tạo điều kiện cho người xin làm thủ tục hành chính gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân.

25. Làm mất, làm hư hại, làm sai lệch nội dung hồ sơ.

Hình thức xử lý với cán bộ, công chức vi phạm

* Đối với cán bộ vi phạm

Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau:

– Khiển trách.

– Cảnh cáo.

– Cách chức.

– Bãi nhiệm.

* Đối với công chức vi phạm

Theo Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, công chức vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau:

– Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Hạ bậc lương.

+ Buộc thôi việc.

– Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Hạ bậc lương.

+ Giáng chức.

+ Cách chức.

+ Buộc thôi việc.

Trên đây là những hành vi công chức không được thực hiện trong lĩnh vực đất đai. Nếu bị phát hiện và còn thời hiệu xử lý kỷ luật thì có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử lý kỷ luật trên.

Tham khảo thêm nội dung:

Bảng giá đất các tỉnh thành được sử dụng để làm gì?

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có Sổ đỏ

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan