Nhiều trường hợp đã bị xóa đăng ký thường trú (hộ khẩu) ở nơi ở cũ nhưng cũng chưa nhập khẩu vào nơi ở khác. Hiện nay, bị xóa hộ khẩu làm Căn cước công dân gắn chip thế nào?
Câu hỏi: Cho em hỏi em đã bị xóa hộ khẩu khỏi nơi thường trú trước đây giờ em có làm Căn cước công dân gắn chip được không? Em cảm ơn – Hồ Thị Hạnh (TP.HCM)
Trả lời:
Các trường hợp bị xóa hộ khẩu trước ngày 01/7/2021
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú 2006, người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:
– Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;
– Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;
– Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú;
– Ra nước ngoài để định cư;
– Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.
Xem thêm: Từ 01/7/2021, không khai báo tạm vắng bị xóa hộ khẩu?
Bị xóa hộ khẩu làm Căn cước công dân gắn chip thế nào?
Mặt trước thẻ Căn cước công dân gắn chip ghi nhận thông tin nơi thường trú mà Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Đồng thời, hiện nay, thông tin về nơi thường trú của công dân còn được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành thì khi cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip yêu cầu công dân xuất trình Sổ hộ khẩu (theo điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA sửa đổi tại Thông tư 40/2019).
Mặc dù, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống cấp, quản lý Căn cước công dân đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện nên khi làm Căn cước công dân người dân vẫn cần phải xuất trình Sổ hộ khẩu.
Do vậy, trường hợp đã bị xóa hộ khẩu thì cần phải nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) lại để được cấp Căn cước công dân gắn chip.
Bị xóa hộ khẩu làm Căn cước công dân gắn chip thế nào? (Ảnh minh họa)
Đăng ký thường trú sau khi bị xóa hộ khẩu như thế nào?
Nếu trước đây đã đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương nay trở về sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình thì phải có xác nhận về việc trước đây công dân đã đăng ký thường trú.
Theo Điều 21 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013, thủ tục đăng ký thường trú như sau:
Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Bản khai nhân khẩu;
– Giấy chuyển hộ khẩu (nếu chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh);
– Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
Nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
– Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
– Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.