Cấp Sổ đỏ, sang tên Sổ đỏ không phải là thuật ngữ pháp lý nhưng là từ người dân thường gọi để chỉ việc cấp Giấy chứng nhận hoặc khi chuyển nhượng nhà, đất. Vậy, cấp Sổ đỏ và sang tên Sổ đỏ có điểm gì khác nhau?
Hiện nay, không ít người chưa thực sự hiểu các quy định về cấp Sổ đỏ với sang tên Sổ đỏ. Để biết sự khác nhau hãy xem những thông tin trong bảng phân biệt dưới đây.
Phân biệt cấp Sổ đỏ với sang tên Sổ đỏ
Tiêu chí |
Cấp Sổ đỏ |
Sang tên Sổ đỏ |
Tên gọi pháp lý |
Là thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu. |
Là thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. |
Bản chất |
Cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với thửa đất chưa có Giấy chứng nhận. |
Thửa đất đã có Giấy chứng nhận mà nay chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. |
Trường hợp áp dụng |
Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đủ điều kiện và có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. |
Được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. |
Điều kiện |
Có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận: – Nhóm 1. Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, nghĩa là có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. – Nhóm 2: Hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp. Xem chi tiết tại: Cơ hội được cấp Sổ đỏ cho đất không có giấy tờ – Nhóm 3: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014 nhưng nay đủ điều kiện. |
Khi có đủ các điều kiện sau: – Có Giấy chứng nhận; – Đất không có tranh chấp; – Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; – Trong thời hạn sử dụng đất. Trong một số trường hợp phải có thêm các điều kiện khác. Xem chi tiết tại: Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. |
Hồ sơ |
Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận của hộ gia đình, cá nhân gồm: – Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK; – Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất; – Một trong các giấy tờ quy định tại Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; – Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có). |
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm có: – Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK; – Hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; – Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. |
Thời hạn thực hiện |
Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. |
Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ |
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày. |
Kết luận: Trên đây là bảng phân biệt cấp Sổ đỏ với sang tên Sổ đỏ. Theo đó, cấp Sổ đỏ là cấp Giấy chứng nhận lần đầu; sang tên Sổ đỏ là thủ tục đăng ký biến động đất đai khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
>> Thủ tục làm Sổ đỏ 2019 – Toàn bộ hướng dẫn mới nhất
Luật Dân Việt Tư Vấn