Khi nhà ở xây dựng xong, để được đưa vào sử dụng thì phải thực hiện thủ tục “hoàn công”. Để biết toàn bộ quy định về hồ sơ, thủ tục hoàn công nhà ở hãy xem hướng dẫn sau.
Lưu ý:
– Hoàn công nhà ở là cách thường gọi của người dân để chỉ thủ tục nghiệm thu công trình hoặc thông báo cho cơ quan Nhà nước trước khi đưa vào sử dụng. Hay nói cách khác, trong pháp luật xây dựng hiện hành không có thủ tục hành chính nào với tên gọi là “hoàn công nhà ở”.
– Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng (theo khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014). Với nhà ở riêng lẻ thì chủ đầu tư là người chi tiền để thuê người khác xây nhà (hộ gia đình, cá nhân).
– Quy định trong bài viết này áp dụng cho nhà ở riêng lẻ (sau đây gọi chung là nhà ở), là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật (theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 05/2015/TT-BXD).
Điều kiện để đưa nhà ở vào sử dụng
Theo khoản 4 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP, để được đưa vào sử dụng thì công trình, hạng mục công trình phải được nghiệm thu theo quy định. Theo đó, nghiệm thu công trình được quy định như sau:
* Trách nhiệm nghiệm thu công trình
– Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng (khoản 1 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP).
– Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan thỏa thuận về thời điểm nghiệm thu, trình tự và nội dung nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được lập thành biên bản.
* Điều kiện nghiệm thu công trình
Để được nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng thì phải có đủ 03 điều kiện sau:
– Điều kiện 1: Các công việc xây dựng đã thực hiện được nghiệm thu, gồm:
+ Nghiệm thu công việc xây dựng;
+ Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng.
Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng.
– Điều kiện 2: Không còn tồn tại lớn về chất lượng thi công xây dựng làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác, sử dụng công trình.
– Điều kiện 3: Được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Hồ sơ, thủ tục hoàn công nhà ở (Ảnh minh họa)
Bàn giao công trình xây dựng
Sau khi nghiệm thu thì nhà ở được bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng (hộ gia đình, cá nhân chủ nhà). Theo khoản 1 Điều 124 Luật Xây dựng năm 2014, việc bàn giao công trình xây dựng phải tuân thủ các quy định sau:
+ Đã thực hiện nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.
– Khi bàn giao công trình xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng phải giao cho chủ đầu tư các tài liệu sau:
+ Bản vẽ hoàn công;
+ Quy trình hướng dẫn vận hành;
+ Quy trình bảo trì công trình;
+ Danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế;
+ Các tài liệu cần thiết khác có liên quan.
Lưu ý: Đối với nhà ở từ 07 tầng trở lên trước khi đưa vào sử dụng
Điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 05/2015/TT-BXD quy định: “Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc thi công xây dựng phải được tổ chức có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định thực hiện. Chủ nhà phải chuẩn bị hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để được kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng”.
Theo đó, để được đưa vào sử dụng thì chủ nhà phải thực hiện theo thủ tục sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng nhà ở (thường gọi là hồ sơ hoàn công)
Theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2015/TT-BXD, danh mục hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng nhà ở gồm những giấy tờ sau:
– Giấy phép xây dựng.
– Hợp đồng xây dựng của chủ nhà ký với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng (nếu có).
– Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
– Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
– Báo cáo kết quả thẩm tra và văn bản kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
– Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp việc thi công xây dựng có sai khác so với thiết kế bản vẽ thi công xây dựng).
– Báo cáo kết quả thí nghiệm, kiểm định (nếu có).
– Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về an toàn phòng cháy, chữa cháy; an toàn vận hành thang máy.
Bước 2. Nộp hồ sơ thông báo; kiểm tra
– Nơi nộp hồ sơ thông báo: Theo Điều 54, 55 Nghị định 46/2015/NĐ-CP (trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng và bảo trì công trình – công trình nói chung) và Điều 9 Thông tư 05/2015/TT-BXD (trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng và bảo trì nhà ở) thì chủ nhà nộp hồ sơ hoàn thành công trình nhà ở tại UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
– Sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thì nhà ở sẽ được đưa vào sử dụng.
(Hiện nay, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ UBND cấp huyện có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình thì chỉ được quy định là do UBND cấp tỉnh phân công, hướng dẫn – nên UBND các tỉnh, thành thường ban hành Quyết định để quy định cụ thể về nội dung này).
>> Toàn bộ giấy tờ trong hồ sơ xin giấy phép xây dựng nhà ở.
Luật Dân Việt Tư Vấn