Nếu người dân biết được những trường hợp phổ biến được cấp Sổ đỏ lần đầu thì khi đó sẽ nắm rõ điều kiện cấp, từ những quy định này sẽ giúp người dân có thể tự làm Sổ đỏ cho thửa đất của mình.
Giải thích cách gọi:
– Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân, theo quy định của pháp luật đất đai từ ngày 10/12/2009 khi đủ điều kiện thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).
– Cấp Sổ đỏ lần đầu là thủ tục cấp giấy chứng nhận cho thửa đất, vì mỗi thửa đất chỉ được cấp 01 Giấy chứng nhận, không có cấp lần 2, lần 3 nên được gọi là cấp lần đầu.
1. Công nhận quyền sử dụng đất
* Công nhận quyền sử dụng đất là gì?
Khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định”.
Căn cứ vào quy định trên thì công nhận quyền sử dụng đất là trường hợp phổ biến nhất để người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
Luật Dân Việt đã tổng hợp danh sách trường hợp cụ thể mà hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất:
TT |
Trường hợp cụ thể |
1 |
Đất khai hoang |
2 |
Đất do nhận thừa kế (do nhận thừa kế từ ông bà, cha mẹ hoặc người khác mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê) |
3 |
Đất do nhận chuyển nhượng (mua của người khác) mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê |
4 |
Đất do nhận tặng cho mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê |
5 |
Đất do chuyển đổi (đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đổi cho nhau để tiện chăm sóc, canh tác) mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê |
* Điều kiện công nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, để được công nhận quyền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân phải có đủ điều kiện theo từng trường hợp cụ thể:
Trường hợp 1: Đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất (khi có một trong những loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Trường hợp 2: Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
2. Được Nhà nước giao đất
* Nhà nước giao đất là gì?
Khoản 7 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về giao đất như sau:
“Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước giao đất) là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất”.
* Các trường hợp được Nhà nước giao đất
Căn cứ Điều 54, 55 Luật Đất đai 2013, khi Nhà nước giao đất sẽ chia thành 02 nhóm:
Nhóm 1: Không thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp.
Nhóm 2: Có thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.
Lưu ý: Vì rất nhiều trường hợp giao đất có thu tiền và không thu tiền sử dụng đất nhưng bài viết chỉ đề cập đến trường hợp của hộ gia đình, cá nhân trong nước.
* Khi nào được cấp Giấy chứng nhận cho đất được Nhà nước giao?
Đất có nguồn gốc do Nhà nước giao được chia thành 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Trước ngày 01/7/2014
Đối với trường hợp đất được giao trước ngày 01/7/2014 sẽ được chia thành 02 trường hợp với điều kiện được cấp Giấy chứng nhận khác nhau:
Trường hợp 1: Đất được giao không đúng thẩm quyền
Trường hợp 2: Đất được giao đúng thẩm quyền
Đúng thẩm quyền là việc UBND cấp tỉnh sẽ giao đất cho tổ chức, UBND cấp huyện sẽ giao đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định:
“4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận, nếu chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện.
Giai đoạn 2: Từ ngày 01/7/2014 đến nay
Điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định:
“1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
….
b) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.
Như vậy, khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất (UBND cấp tỉnh, cấp huyện giao tùy vào đối tượng được giao) thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận.
Click xem thêm: Đất lấn chiếm có được cấp Sổ đỏ không?
3. Được Nhà nước cho thuê đất
* Nhà nước cho thuê đất là gì?
Nhà nước cho thuê đất được quy định rõ tại khoản 8 Điều 3 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước cho thuê đất) là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất”.
* Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất
Căn cứ Điều 56 Luật Đất đai 2013, Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau:
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
– Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao đất nông nghiệp.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh.
– Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê.
– Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.
– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.
Kết luận: Trên đây là những trường hợp phổ biến để được cấp Sổ đỏ lần đầu. Khi đủ điều kiện cấp Sổ đỏ lần đầu thì hộ gia đình, cá nhân chỉ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nộp đúng nơi quy định và nộp tiền là sẽ có Sổ đỏ mới.