Chi phí sang tên Sổ đỏ hộ gia đình mà người dân phải nộp có thể bao gồm đầy đủ các khoản tiền như lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp bìa sổ mới và phí đo đạc.
1. Lệ phí trước bạ (thuế trước bạ)
* Miễn lệ phí trước bạ
Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP quy định nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa những người sau đây được miễn lệ phí trước bạ: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha vợ, mẹ vợ với con rể; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
Lưu ý: Chuyển nhượng (mua bán) giữa những người trên sẽ không được miễn lệ phí trước bạ.
* Nộp lệ phí trước bạ
– Mức nộp lệ phí trước bạ
Căn cứ Điều 5 và Điều 7 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, lệ phí trước bạ khi sang tên nhà đất được tính theo công thức sau:
Lệ phí trước bạ = 0.5% x Giá tính lệ phí trước bạ
Theo đó, để tính được số lệ phí trước bạ phải nộp trước tiên phải biết được giá tính lệ phí trước bạ.
Giá tính lệ phí trước bạ đối với từng trường hợp là khác nhau, cụ thể:
Trường hợp 1: Giá trong hợp đồng chuyển nhượng cao hơn giá nhà nước
Lệ phí trước bạ = 0.5% x Giá chuyển nhượng (số tiền ghi trong hợp đồng)
Trường hợp 2: Giá nhà, đất tại hợp đồng chuyển nhượng bằng hoặc thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh ban hành và trường hợp tặng cho nhà đất
+ Cách tính lệ phí trước bạ khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất
Lệ phí trước bạ = 0.5% x (Diện tích x Giá 01 m2 tại bảng giá đất)
+ Cách tính lệ phí trước bạ khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sở hữu nhà ở
Lệ phí trước bạ phải nộp = 0.5% x (Diện tích x Giá 01m2 x Tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại)
Trong đó:
. Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà ở là giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ (phải xem trong quyết định của UBND từng tỉnh thành).
. Tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành (khấu trừ theo thời gian – phải xem trong quyết định của từng tỉnh thành).
– Người nộp lệ phí trước bạ là: Người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa thế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Thuế thu nhập cá nhân
* Miễn thuế thu nhập cá nhân
Điểm a, b và điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định những trường hợp sau đây được miễn thuế thu nhập cá nhân:
– Người có thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam (đất nông nghiệp hoặc các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ không được miễn).
Tuy nhiên, việc có nhà ở, đất ở duy nhất tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện nhất định như thời gian sử dụng đất, thời gian sở hữu nhà ở.
Xem chi tiết tại: 2 trường hợp được miễn thuế khi mua bán nhà đất
– Thu nhập từ chuyển nhượng, nhận tặng cho, thừa kế bất động sản giữa: Vợ với chồng; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; bố vợ, mẹ vợ với con rể; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
* Phải nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu không thuộc hai trường hợp trên)
– Mức nộp được tính theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân = 2% x Giá chuyển nhượng (căn cứ vào hợp đồng)
+ Nếu hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng hoặc ghi nhưng thấp hơn giá nhà nước và trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì thuế thu nhập cá nhân phải nộp được tính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 2% x (Giá 01 m2 đất trong bảng giá đất x Diện tích)
+ Riêng đối với nhà nếu hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng thì thuế thu nhập cá nhân sẽ tính bằng 2% nhân (x) với giá nhà ở để tính lệ phí trước bạ do UBND tỉnh, thành phố quy định.
– Người có nghĩa vụ nộp thuế là: Người chuyển nhượng, người nhận tặng cho, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Phí thẩm định hồ sơ
Phí thẩm định hồ sơ là khoản phí Nhà nước thu khi thẩm định điều kiện được chuyển nhượng, tặng cho nhà đất theo quy định. Đây là khoản thu do từng tỉnh, thành quy định nên mức thu không giống nhau. Mức thu dao động từ 500.000 đồng – 05 triệu đồng.
Xem chi tiết: Phí thẩm định hồ sơ sang tên Sổ đỏ 63 tỉnh, thành
4. Lệ phí cấp bìa sổ mới
Lệ phí này chỉ thu khi người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế được cấp bìa mới; nếu chỉ ghi thông tin vào trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận thì không phải nộp.
Mức thu do các tỉnh, thành quy định nhưng đều thu dưới 100.000 đồng.
5. Các khoản chi phí khác (nếu có)
* Phí công chứng
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí công chứng được xác định theo giá trị hợp đồng hoặc giá trị tài sản.
Xem chi tiết tại: Thủ tục, phí thực hiện công chứng hợp đồng nhà đất
* Chi phí đo đạc
Nếu chuyển nhượng một phần thửa đất hoặc người sử dụng đất có nhu cầu đo đạc sẽ phải nộp khoản tiền này.
Mặc dù chi phí đo đạc không phải do Nhà nước thu nhưng thực tế hiện nay các tỉnh thành có mức thu khá giống nhau (dao động từ 1.8 – 2.5 triệu đồng).
* Phí dịch vụ sang tên Sổ đỏ
Nếu không thể tự mình thực hiện thì người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện thay; tùy từng thửa đất mà mức thu không giống nhau (thông thường từ 05 – 10 triệu đồng, trường hợp khó khăn, phức tạp sẽ cao hơn).
Trên đây là những khoản chi phí sang tên Sổ đỏ hộ gia đình, trong trường hợp được miễn lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân thì số tiền người dân phải nộp sẽ khá thấp. Nếu bạn đọc muốn ước tính chi phí sang tên hoặc có vướng mắc khác vui lòng liên hệ với Luật Dân Việt qua số 0926 220 286 để được hỗ trợ nhanh nhất.