Hộ gia đình, cá nhân trong nước khi sở hữu nhà ở thường là sở hữu ổn định lâu dài hoặc theo dự án nhưng được gia hạn. Riêng thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài thường không quá 50 năm.
Thời hạn sở hữu nhà ở được quy định thế nào?
Ngoài những trường hợp sở hữu nhà ở ổn định lâu dài như nhà ở riêng lẻ xây trên đất ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc chung cư có thời hạn theo thời hạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở (được xem xét gia hạn) thì có một số trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn, cụ thể:
Trường hợp 1: Sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận của các bên
Căn cứ khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2014 được hướng dẫn bởi Điều 73 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, bên bán được bán nhà ở gắn với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hoặc quyền thuê đất ở có nhà ở cho bên mua trong một thời hạn nhất định.
Trong thời hạn sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở theo thỏa thuận của các bên thì bên bán không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp 02 bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn trong trường hợp trên thì 02 bên thỏa thuận cụ thể các nội dung sau:
– Thời hạn bên mua được sở hữu nhà ở.
– Quyền, nghĩa vụ của bên mua trong thời hạn sở hữu nhà ở đó.
– Trách nhiệm đăng ký và cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) cho bên mua.
– Việc bàn giao lại nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở và người nhận bàn giao lại nhà ở đó sau khi hết hạn sở hữu.
– Việc xử lý Giấy chứng nhận đã cấp khi hết hạn sở hữu và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở.
Trong trường hợp 02 bên có thỏa thuận về việc bên mua nhà ở được quyền bán, để thừa kế, để thừa kế, góp vốn bằng nhà ở trong thời hạn sở hữu nhà ở thì bên mua lại, bên được thừa kế, bên nhận tặng cho, bên nhận góp vốn chỉ được sở hữu nhà ở đó theo thời hạn mà bên mua nhà ở lần đầu đã thỏa thuận với chủ sở hữu lần đầu.
Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đăng ký đất đai lần đầu
Trường hợp 2: Thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam)
– Được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho tổ chức đó. Khi hết hạn sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm.
– Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho tổ chức nước ngoài không ghi thời hạn thì trong Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) cấp cho tổ chức đó cũng được ghi không thời hạn.
– Tổ chức nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản hoặc chấm dứt hoạt động trước khi hết hạn sở hữu nhà ở hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam nhà ở được xử lý theo quy định khoản 1 Điều 8 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
– Trong thời hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc chuyển vốn hoặc sáp nhập theo quy định thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.
Trường hợp 3: Cá nhân nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam
Được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận (Sổ hồng, Sổ đỏ); khi hết thời hạn sở hữu nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thì nộp hồ sơ đề nghị để Nhà nước xem xét gia hạn thêm.
Lưu ý: Trước khi hết hạn sở hữu mà cá nhân, tổ chức nước ngoài bán hoặc tặng cho nhà ở thì người mua, người nhận tặng cho được sở hữu nhà ở theo quy định sau:
– Bên mua, bên nhận tặng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước hoặc người Việt Nam ở nước ngoài thì nhà ở đó được sở hữu ổn định lâu dài.
– Người mua hoặc người nhận tặng cho là tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại; khi hết thời hạn sở hữu còn lại mà chủ sở hữu nhà ở này có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm.
– Bên bán, bên tặng cho phải nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác cho Nhà nước Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam
Hồ sơ, thủ tục gia hạn sở hữu nhà ở
Bước 1. Chuẩn bị và nộp đơn đề nghị gia hạn
Trước khi hết thời hạn sở hữu 03 tháng phải nộp đơn đề nghị gia hạn thêm nếu chủ sở hữu có nhu cầu.
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý hồ sơ
Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa/trung tâm hành chính công để chuyển cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở cần gia hạn.