Cầm cố là một trong những hình thức bảo đảm quen thuộc trong cuộc sống bên cạnh thế chấp, bảo lãnh… Vậy cầm cố là gì? Khái niệm cầm cố và cầm đồ có phải là một không?
Cầm cố tài sản là gì?
Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Căn cứ định nghĩa này, có thể thấy, cầm cố tài sản phải có các đặc điểm sau:
– Là một hình thức bảo đam thực hiện nghĩa vụ bên cạnh thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp hoặc cầm giữ tài sản.
– Gồm hai đối tượng là bên cầm cố và bên nhận cầm cố.
– Cầm cố là việc một bên giao tài sản của mình cho một bên khác để thực hiện nghĩa vụ.
Đồng thời, cầm cố phải thể hiện dưới dạng hợp đồng và hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc Luật có quy định khác với nội dung nêu trên.
Việc cầm cố sẽ chấm dứt trong các trường hợp nêu tại Điều 315 Bộ luật Dân sự gồm:
– Nghĩa vụ được bảo đảm bằng hình thức cầm cố đã chấm dứt.
– Các bên đã hủy bỏ việc cầm cố hoặc thay thế việc cầm cố bằng biện pháp bảo đảm khác.
– Tài sản dùng cho việc cầm cố đã được xử lý.
– Hai bên có thỏa thuận khác.
Đặc biệt, trừ trường hợp tài sản cầm cố đã bị xử lý còn các trường hợp khác khiến việc cầm cố tài sản kết thúc, bên nhận cầm cố phải trả lại tài sản cùng các giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố cho bên cầm cố.
Ngoài ra, nếu không có thỏa thuận khác thì hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố, bên nhận cầm cố cũng phải trả lại cho bên cầm cố theo quy định tại Điều 316 Bộ luật Dân sự đang có hiệu lực.
Dịch vụ cầm đồ có phải cầm cố tài sản không?
Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều không hề xa lạ với thuật ngữ cầm đồ. Dưới góc độ pháp lý, cầm đồ hay kinh doanh dịch vụ cầm đồ được định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP như sau:
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.
Căn cứ quy định này có thể thấy, dịch vụ cầm đồ là một loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018, dịch vụ cầm đồ được xếp vào nhóm ngành nghề hoạt động cấp tín dụng khác.
Theo đó, cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng các điều kiện tại Nghị định 96 năm 2016 như:
– Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập;
– Người Việt Nam không bị khởi tố hình sự mà cơ quan chức năng đang điều tra, truy tố, xét xử hoặc không có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia… hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài phải được cơ quan của Việt Nam cấp phép cư trú;
– Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đặt địa điểm kinh doanh ít nhất 05 năm;
– Trong thời gian 05 năm liền kề trước khi đăng ký kinh doanh, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự không bị xử phạt hành chính về hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay nặng lãi, đánh bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Nói tóm lại, có thể thấy, cầm cố bao hàm cả cầm đồ nhưng cầm đồ mang tính chất chuyên nghiệp hơn cũng như phải tuân theo nhiều quy định, điều kiện bắt buộc hơn so với cầm cố.
Trên đây là giải đáp về cầm cố là gì? Nếu còn thắc mắc cần giải đáp, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
Xem thêm: