Chủ tịch hội đồng quản trị là thành viên của Hội đồng quản trị, là người đứng đầu đại diện cho Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông – cơ quan có quyền hạn cao nhất trong công ty.
Việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách thức vận hành trong công ty, hiểu rõ hơn về thẩm quyền và các công việc mà một Chủ tịch Hội đồng quản trị phải làm cho doanh nghiệp.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Dân Việt xin cung cấp các thông tin liên quan đến Chức năng của Chủ tịch Hội đồng quản trị để Quý khách hàng có thể hiểu rõ hơn.
Chủ tịch hội đồng quản trị là gì?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 152 Luật doanh nghiệp năm 2014 nêu rõ: Chủ tịch hội đồng quản trị là thành viên của Hội đồng quản trị, là người đứng đầu đại diện cho Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông – cơ quan có quyền hạn cao nhất trong công ty.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm chức Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty (trừ trường hợp Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty) hoặc theo điều lệ công ty có quy định khác.
Điều kiện làm chủ tịch hội đồng quản trị?
Để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị trong công ty, cần đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định tại Luật doanh nghiệp hiện hành, cụ thể các điều kiện như sau:
– Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu bởi Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị tiến hành bầu một thành viên trong Hội đồng quản trị để giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể đồng thời kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty (trừ trường hợp công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết hoặc Điều lệ công ty có quy định khác)
Theo đó, điều kiện đặt ra đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị phải là thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty và do các thành viên của Hội đồng quản trị bầu.
– Đáp ứng các điều kiện chung của thành viên hội đồng quản trị
Do chủ tịch Hội đồng quản trị là thành viên trong Hội đồng quản trị, vậy nên Chủ tịch Hội đồng quản trị cần đáp ứng các điều kiện của thành viên Hội đồng quản trị:
Đáp ứng các điều kiện sau đây để trở thành thành viên của Hội đồng quản trị:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc các trường hợp không được quản lý doanh nghiệp theo quy định khoản 2, điều 18 Luật doanh nghiệp hiện hành;
+ Là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và không nhất thiết phải là cổ đông trong công ty (trừ trường hợp theo Điều lệ công ty có quy định khác);
+ Thành viên của Hội đồng quản trị công ty có thể được đồng thời là thành viên của Hội đồng quản trị các công ty khác;
+ Đối với công ty con mà Nhà nước thực hiện nắm giữ trên 50% vốn điều lệ công ty thì thành viên của Hội đồng quản trị không được là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh, em rể, chị dâu, em dâu của Tổng giám đốc, Giám đốc và người mang chức danh quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan đến người quản lý của công ty, người có thẩm quyền quản lý công ty mẹ.
Như vậy, điều kiện để làm chủ tịch Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện trở thành thành viên của Hội đồng quản trị. Việc cá nhân được lựa chọn là Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ do các thành viên trong Hội đồng quản trị bầu trên cơ sở số phiếu bầu.
Xem thêm:
4 Bước cần nhớ khi thành Lập Doanh Nghiệp Tại Việt Nam
Thủ tục chuyển đổi công ty TNHH 2 thành viên thành công ty TNHH 1 thành viên
Quyền hạn, chức năng của chủ tịch hội đồng quản trị như thế nào?
Pháp luật về doanh nghiệp hiện hành quy định đầy đủ quyền hạn, chức năng của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần. Bên cạnh đó, quyền hạn, chức năng của Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng được ghi nhận trong Điều lệ của công ty.
Theo quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 152 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, cụ thể như sau:
+ Thực hiện lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;
+ Tiến hành chuẩn bị chương trình, các tài liệu, nội dung để phục vụ cho cuộc họp trong công ty; thực hiện triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng quản trị;
+ Chủ tịch tổ chức việc thông qua Nghị quyết của Hội đồng quản trị;
+ Có quyền giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
+ Là người chủ tọa, điều hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, họp Hội đồng quản trị;
+ Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định tại Điều lệ công ty.
Trong các trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc vì một lý do nào đó không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì thực hiện ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác trong Hội đồng quản trị để thực hiện các quyền và nghĩa vụ thay Chủ tịch theo nguyên tắc được quy định tại Điều lệ công ty.
Trường hợp nếu không có người được ủy quyền thì các thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị tiến hành bầu một người trong số các thành viên đó được tạm thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số các thành viên đồng ý.
Trên đây là những thông tin liên quan đến Chức năng của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần.