Người tham gia bảo hiểm y tế khi chuyển nơi sinh sống, chuyển hộ khẩu có được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đã đăng ký nơi ở cũ không? Dưới đây là giải đáp của luatdanviet.com về vấn đề chuyển đến nơi khác sinh sống phải đổi thẻ bảo hiểm y tế không?
Câu hỏi: Xin chào luatdanviet.com. Sắp tới em có ý định chuyển hộ khẩu đến nơi khác. Cho em hỏi, thẻ bảo hiểm y tế em đang sử dụng có phải đổi thẻ mới không? – Trương Thùy (truongminhthuy…@gmail.com).
Trả lời:
Chuyển hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng không?
Các trường hợp thẻ bảo hiểm y tế không có giá trị theo khoản 4 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:
a) Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;
b) Thẻ bị sửa chữa, tẩy xoá;
c) Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Điều 23 Luật này cũng quy định các trường hợp thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nhưng không được thanh toán như: Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng; Khám sức khỏe; Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị…
Như vậy, theo quy định trên có thể thấy việc chuyển hộ khẩu không làm mất giá trị thẻ bảo hiểm y tế.
Chuyển hộ khẩu có ảnh hưởng đến bảo hiểm y tế không? (Ảnh minh họa)
Có được khám chữa bệnh theo thẻ BHYT cũ khi đã chuyển khẩu?
Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:
Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
Do thẻ bảo hiểm y tế giấy hiện nay chưa có ảnh nên người đi khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp có ảnh như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu…
Khi làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhân viên bệnh viện sẽ tiếp nhận thẻ, đối chiếu thông tin trên thẻ như tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, địa chỉ… nếu trùng khớp thì thẻ được chấp nhận.
Như vậy, có thể hiểu dù đã chuyển hộ khẩu nhưng không thay đổi các thông tin trên giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu… thì người bệnh vẫn được điều trị với đầy đủ quyền lợi, mức hưởng như trên thẻ.
Thay đổi hộ khẩu có cần đổi thẻ bảo hiểm y tế?
Như đã đề cập, trường hợp đổi hộ khẩu mà thông tin người sử dụng trên giấy tờ tùy thân, chứng minh nhân thân vẫn trùng khớp nhau thì vẫn được khám, chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế cũ.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, việc chuyển khẩu dẫn đến việc sẽ phải đổi một số giấy tờ chứng minh nhân thân.
Theo Thông tư 04/1999/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP, người đã được cấp chứng minh nhân dân nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tiến hành thủ tục đổi chứng minh nhân dân.
Do đó, có thể hiểu địa chỉ trong chứng minh nhân dân mới cũng thay đổi. Khi đi khám chữa bệnh xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cũ thì thông tin không trùng khớp với thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy, người bệnh sẽ không được chấp nhận do khác thông tin về địa chỉ trên thẻ bảo hiểm y tế.
Trường hợp này, người đi khám chữa bệnh phải dùng các giấy tờ chứng minh nhân thân khác trùng với thông tin trên thể bảo hiểm y tế hoặc tiến hành đổi thẻ theo địa chỉ mới thì được coi là hợp lệ để hưởng bảo hiểm y tế.