Chuẩn bị tên công ty, doanh nghiệp là một trong những việc bắt buộc phải làm khi thành lập. Việc đặt tên công ty không chỉ cần hay mà còn phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Cụ thể,
Tên của doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt?
Câu hỏi: Tôi đang có dự định mở công ty, tôi cũng đã nghĩ ra được một số tên mang ý nghĩa với cá nhân tôi, nhưng theo tìm hiểu khi đặt tên công ty, doanh nghiệp phải tuân thủ một số quy định của pháp luật. Mong Vanbanluat giải thích giúp cho tôi biết đặt tên công ty như thế nào mới hợp pháp?
Trả lời:
Theo Điều 37, Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp bao gồm:
– Tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt;
– Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài;
– Tên viết tắt của doanh nghiệp.
Trong đó, tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp không bắt buộc phải có, tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.
1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt
Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm 02 thành tố theo thứ tự sau:
(1) Loại hình doanh nghiệp;
(2) Tên riêng.
Theo đó,
Tên công ty, doanh nghiệp = Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng
– Loại hình doanh nghiệp được viết là:
+ “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
+ “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần;
+ “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;
+ “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
– Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Lưu ý:
– Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
– Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
2. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài
Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài (khoản 1 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020).
Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Tên viết tắt của doanh nghiệp
Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài (khoản 3 Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
đặt tên công ty, doanh nghiệp thế nào cho đúng luật? (Ảnh minh họa)
Có được đặt tên công ty bằng tiếng Anh không?
Câu hỏi: Tôi muốn đặt tên công ty là Công ty cổ phần Blue Seed. Tuy nhiên được biết pháp luật không cho phép đặt tên công ty bằng tiếng anh. Không biết điều này có đúng không, xin luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.- Dương Minh Khôi (Hưng Yên).
Trả lời:
Có thể hiểu bạn muốn hỏi có được sử dụng từ tiếng Anh để đặt tên công ty hay không.
Theo đó, bên cạnh các quy định nêu trên, tên doanh nghiệp không được vi phạm những điều cấm sau:
– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Qua đây, có thể khẳng định, Luật Doanh nghiệp không cấm việc sử dụng cụm từ tiếng Anh trong tên tiếng Việt của doanh nghiệp.
Ví dụ:
Tên công ty viết bằng tiếng Việt: CÔNG TY TNHH BLUESEED VIỆT NAM
Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài: VIET NAM BLUESEED COMPANY LIMITED
Đặt tên công ty trùng nhau có được không?
Câu hỏi: Tên công ty chúng tôi dự định đặt lại bị trùng tên với một công ty kinh doanh bất động sản đã đăng ký thành lập trước đây nửa năm. Vậy xin hỏi chúng tôi đăng ký trùng tên với công ty kia được không, chúng tôi sản xuất thức ăn chăn nuôi ạ. Xin cám ơn. – Nguyễn Quốc Khánh (Nghệ An).
Trả lời:
Luật Doanh nghiệp cấm đặt tên trùng với tên doanh nghiệp đã đăng ký.
Cụ thể, tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đăng ký tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản (khoản 1 Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Như vậy, tên công ty bằng tiếng Việt không được trùng với tên của một công ty đã đăng ký trước đó. Tên công ty là duy nhất trên phạm vi toàn quốc.
Tên doanh nghiệp có phải đặt theo ngành nghề kinh doanh?
Câu hỏi: Tôi chuẩn bị đăng ký kinh doanh công ty chuyên sản xuất dầu tràm. Vậy khi đặt tên doanh nghiệp thì tôi có cần phải kèm theo ngành nghề kinh doanh không? – vuongv…@gmail.com.vn
Việc đặt tên doanh nghiệp được quy định tại các Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 41 và Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định doanh nghiệp phải sử dụng ngành, nghề kinh doanh để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Trường hợp kinh doanh ngành, nghề có điều kiện thì phải đáp ứng đủ điều kiện.
Xem thêm: Các điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp theo Luật mới
Đặt tên công ty có chữ tập đoàn được không?
Câu hỏi: Tôi muốn thành lập công ty cổ phần tập đoàn… Tôi có hỏi một số nơi làm dịch vụ thì đều yêu cầu bỏ chữ tập đoàn. Vậy tôi xin hỏi việc đặt tên công ty công ty có chữ tập đoàn có được không? – Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Hải Phòng)
Trả lời:
Như đã nêu, tên doanh nghiệp bao gồm 02 thành tố là: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Có thể thấy rằng, cụm từ “tập đoàn” không phải là tên loại hình doanh nghiệp, cũng không thuộc trường hợp bị cấm. Cụm từ “tập đoàn” có thể được hiểu là tên riêng.
Mặc dù vậy, do trên thực tế hiện nay, cụm từ “tập đoàn” đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau, trong đó, nhiều người căn cứ vào Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước để cho rằng, cụm từ “tập đoàn” là tên một loại hình tổ chức chứ không phải tên riêng.
Bên cạnh đó, mọi người thường nhắc đến “tập đoàn” để chỉ một doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động đa quốc gia. Do đó, nếu một doanh nghiệp có sử dụng cụm từ “tập đoàn” trong tên của mình sẽ có khả năng gây hiểu nhầm.
Từ những căn cứ trên đây, việc đặt tên công ty có chữ “tập đoàn” không vi phạm quy định pháp luật. Song về mặt thực tế, phòng đăng ký kinh doanh để từ chối tên đăng ký dự kiến của doanh nghiệp. Xem chi tiết tại đây.
Trường hợp không đồng ý với quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (khoản 2 Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).