Tranh chấp đất đai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và đây là tình trạng mà người sử dụng đất không mong muốn, bởi lẽ người sử dụng đất sẽ bị hạn chế hoặc bị mất nhiều quyền khi đất có tranh chấp.
1. Không được chuyển nhượng, tặng cho
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền của mình như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 và trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013.
– Đất không có tranh chấp.
– Đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Còn thời hạn sử dụng đất (trong thời hạn sử dụng đất).
Như vậy, khi đất có tranh chấp thì người sử dụng đất không được sang tên (chuyển nhượng, tặng cho) hoặc các quyền khác như chuyển đổi đất nông nghiệp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất,…
2. Không đủ điều kiện cấp Sổ đỏ lần đầu
Khi đất có tranh chấp sẽ không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (Sổ đỏ, Sổ hồng). Nội dung này được nêu rõ trong điều kiện cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đất có giấy tờ và đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
– Khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”.
– Điều 101 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:
* Hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, làm muối, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là người sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp sổ và không phải nộp tiền sử dụng đất.
* Hộ gia đình, cá nhân có thể phải nộp tiền sử dụng đất
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp sổ.
3. Bị từ chối hồ sơ đề nghị cấp Sổ đỏ
Khoản 11 Điều 11 Thông tư 33/2017/TT-BTNTM quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ có quyền từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận khi cơ quan này nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.
4. Không được thế chấp quyền sử dụng đất
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, khi đất có tranh chấp thì người sử dụng đất không được quyền thế chấp quyền sử dụng đất. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nhận thế chấp không biết đất có tranh chấp thì cơ quan đăng ký đất đai cũng sẽ từ chối yêu cầu đăng ký thế chấp, đồng nghĩa với việc thế chấp đó không có hiệu lực.
5. Ảnh hưởng đến quyền lợi khi xác định lại diện tích
Trường hợp diện tích đất trên thực tế khác với diện tích trong Giấy chứng nhận đã cấp khá phổ biến vì nhiều lý do khác nhau như sai sót do trước đây đo thủ công, trong quá trình sử dụng người sử dụng đất có hành vi lấn, chiếm.
Căn cứ khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai 2013, khi có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi sổ diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế.
Nếu diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc trong Giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất không phải nộp tiền cho phần diện tích chênh lệch này.
Trên đây là một số quyền lợi bị mất khi đất có tranh chấp, ngoài ra trên thực tế người sử dụng đất còn có thể bị hạn chế một số quyền khác như thừa kế. Như vậy, các bên tranh chấp đất đai không chỉ rơi vào tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài mà trong nhiều trường hợp không thể thực hiện được quyền của mình.
Nếu có vướng mắc bạn đọc hãy liên hệ với Luật Dân Việt qua số: 0926 220 286 để được hỗ trợ, giải đáp nhanh nhất.