Sổ đỏ, Sổ hồng là tên gọi do người dân dựa trên màu sắc để chỉ các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở. Vậy dưới góc độ pháp lý, Sổ đỏ là gì và khác Sổ hồng như thế nào?
Sổ đỏ là gì?
Trước đây, Sổ đỏ hay bìa đỏ, giấy đỏ ghi chữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Tổng cục Quản lý ruộng đất phát hành theo Quyết định 201-QĐ/ĐKTK.
Sổ này có màu đỏ đậm, được cấp cho:
– Các thửa đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất ở thuộc nông thôn, đất chuyên dùng các loại;
– Các thửa đất có công trình nhưng không phải là nhà ở, thửa đất ở chưa có nhà hoặc nhà tạm thuộc nội thành phố, nội thị xã, thị trấn.
Từ ngày 01/12/2004, Quyết định 24/2004/QĐ-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hiệu lực, Sổ đỏ được dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo một mẫu thống nhất với trang bìa màu đỏ, áp dụng trong phạm vi cả nước.
Sổ hồng là gì?
Sổ hồng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở theo Nghị định 60/CP ngày 05/7/1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị.
Sổ hồng do Bộ Xây dựng ban hành và được cấp cho khu vực nội thành, nội thị xã, thị trấn. Sổ này ghi nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở không ghi loại đất khác.
Tới ngày 10/08/2005, Sổ hồng áp dụng mẫu mới theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.
Chú ý:
Để thống nhất quản lý và tránh gây nhầm lẫn cho người dân từ ngày 10/12/2009, Sổ đỏ và Sổ hồng được cấp theo mẫu chung do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất – cũng có bìa màu hồng (theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP và Thông tư 17/2009/TT-BTNMT).
Phân biệt Sổ đỏ và Sổ hồng
Theo đó, có thể phân biệt Sổ đỏ và Sổ hồng dựa trên một số tiêu chí sau:
Tiêu chí |
Sổ đỏ |
Sổ hồng |
|||
Mẫu áp dụng từ 14/7/1989 |
Mẫu áp dụng từ 01/12/2004 |
Mẫu áp dụng từ 05/7/1994 |
Mẫu áp dụng từ 10/8/2005 |
Mẫu áp dụng từ 10/12/2009 – nay |
|
Căn cứ |
– Quyết định 201-QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 – Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 – Thông tư 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 |
Quyết định số 24/2004/QĐ-BTNMT ngày 01/11/2004 |
Nghị định 60/CP ngày 5/7/1994 |
Nghị định 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 |
Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 |
Tên gọi pháp lý |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở |
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở – Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất |
Loại đất được cấp Sổ |
– Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất ở thuộc nông thôn, đất chuyên dùng các loại; – Đất có công trình nhưng không phải là nhà ở, thửa đất ở chưa có nhà hoặc nhà tạm thuộc nội thành phố, nội thị xã, thị trấn |
Mọi loại đất |
Đất ở đô thị |
– |
Mọi loại đất |
Khu vực được cấp Sổ |
Ngoài đô thị |
Cả nước |
Đô thị |
Cả nước |
Cả nước |
Cơ quan phát hành mẫu Sổ |
Tổng cục Quản lý ruộng đất |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Xây dựng |
Bộ Xây dựng |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Theo quy định tại Điều 97 Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Kết luận: Về cơ bản có thể hiểu, Sổ đỏ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn Sổ hồng là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Đến nay, cả 02 loại giấy này vẫn đang được lưu hành và có giá trị pháp lý.
Xem thêm:
Thỏa ước lao động tập thể là gì? Vi phạm, doanh nghiệp bị phạt thế nào?