Thủ tục thuận tình ly hôn khi một bên ở nước ngoài như thế nào?

Ly hôn khi một bên ở nước ngoài được xác định là một trong các trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Vậy thủ tục thuận tình ly hôn khi một bên ở nước ngoài được thực hiện như thế nào? Ly hôn thuận tình có bắt buộc hai vợ chồng phải ra tòa không?

Câu hỏi: Câu hỏi: Xin chào luatdanviet.com cho em hỏi một vấn đề: Tôi và vợ tôi đều là người Việt và đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Vì cuộc sống mưu sinh nên vợ tôi đã xuất khẩu lao động sang Nhật được hơn 5 năm và đang định cư ở bên đó.

Do khoảng cách về địa lý và sống xa nhau nên tình cảm chúng tôi nhạt dần, nhiều mâu thuẫn về các vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy chúng tôi quyết định ly hôn. Hai vợ chồng đã có một bé tên là H, năm nay 14 tuổi và sẽ ở với mẹ, còn tôi sẽ gửi tiền cấp dưỡng 5 triệu/tháng. Chúng tôi không có tài sản chung và cũng không có nợ chung.

Nay vì dịch bệnh nên vợ tôi không thể bay về Việt Nam để làm thủ tục, vậy vợ tôi gửi đơn về để một mình tôi ra tòa có được không? Trường hợp của tôi có phải ly hôn đơn phương hay không hay ly hôn thuận tình? – Nguyễn Mạnh Long (nguyen……..@gmail.com).

Trả lời:

Thế nào là thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài?

Ly hôn thuận tình là một trong hai cách thức ly hôn. Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích:

 

“Điều 55. Thuận tình ly hôn

 

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

 

thuan tinh ly hon la gi

Thuận tình ly hôn là gì? (Ảnh minh họa)

Do đó có thể hiểu đơn giản ly hôn thuận tình hay thuận tình ly hôn là trường hợp mà cả hai vợ chồng đều đồng ý ly hôn sau khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản, nợ chung.

Như trường hợp của anh cả hai vợ chồng đồng ý quyết định ly hôn tức là đạt được thỏa thuận từ cả hai phía nên được xác định là ly hôn thuận tình.

Mặt khác, theo quy định khoản 25 Điều 3 Luật này thì việc ly hôn của anh chị thuộc trường hợp thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài (vợ anh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài) và được xác định là việc dân sự.

Nếu trường hợp chỉ có anh hoặc vợ anh muốn ly hôn và bên còn lại không đồng ý cũng như không thể thỏa thuận được vấn đề nuôi con, tài sản chung, nợ chung thì sẽ được coi là ly hôn đơn phương.

Ly hôn thuận tình có bắt buộc hai vợ chồng phải ra tòa?

Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết các vụ án ly hôn nhất là ly hôn khi một bên đang ở nước ngoài, pháp luật cho phép xét xử vắng mặt.

Theo khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015quy định:

 

“Điều 228. Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa

 

Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

 

1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.”

 

Như vậy, trường hợp vợ anh đang làm việc và định cư ở nước ngoài và không thể về Việt Nam để tham gia đầy đủ thủ tục thuận tình ly hôn khi một bên ở nước ngoài vì dịch bệnh thì có thể làm đơn xin xét xử vắng mặt.

Đơn này phải có xác nhận của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước vợ anh đang làm việc. Sau đó Tòa sẽ giải quyết ly hôn thuận tình như bình thường.

Thủ tục thuận tình ly hôn khi một bên ở nước ngoài

Tòa án có thẩm quyền giải quyết

Thông thường, các vụ án, yêu cầu ly hôn sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết. Tuy nhiên vợ bạn đang ở nước ngoài nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này không phải là Tòa án cấp huyện.

Căn cứ khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định:

 

“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

 

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

 

Đồng thời theo điểm b khoản 1 Điều 37 Bộ luật này cũng quy định:

 

“Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

 

b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;”

 

thu tuc thuan tinh ly hon khi mot ben o nuoc ngoai

Thủ tục thuận tình ly hôn khi một bên ở nước ngoài như thế nào? (Ảnh minh họa)

Như vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình của vợ chồng anh chị là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ anh có hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh.

Hồ sơ ly hôn thuận tình khi vợ ở nước ngoài

Căn cứ theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được xác định là việc dân sự. Do vậy, để được Tòa án giải quyết thì anh chị cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau:

–         Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

–        Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn yêu cầu.

–         Bản sao có chứng thực giấy CMND của anh;

–         Hộ chiếu, tạm trú của vợ anh. Trường hợp này vợ anh cần đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán tại Việt Nam tại nước vợ anh đang cư trí để xin xác nhận cư trú.

–         Bản sao chứng thực hộ khẩu của hai bên;

–         Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con).

–         Đơn xin xét xử vắng mặt.

Trình tự thực hiện

Theo các quy định tại Điều 35, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh (nơi có hộ khẩu thường trú của vợ anh trướ xuất cảnh) có thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn khi vợ anh đang ở nước ngoài. Do vậy, sau khi chuẩn bị xong hồ sơ ly hôn anh sẽ phải nộp hồ sơ tới Tòa án đó.

Hình thức nộp: Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định các cách thức gửi đơn khởi kiện. Dựa vào đó thì anh có thể nộp trực tiếp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn đến Tòa án hoặc gửi theo đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến (nếu có).

Sau khi kiểm tra hồ sơ, nếu hợp Tòa án sẽ ra thông báo cho bạn nộp tiền tạm ứng án phí. Anh cần phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án để thụ lý. Án phí ly hôn thuận tình theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 là 300.000 đồng.

Thủ tục tố tụng thực hiện giống như giải quyết việc dân sự.

Tóm lại, thuận tình ly hôn là khi hai vợ chồng thỏa thuận được với nhau về tất cả các vấn đề đồng ý ly hôn, ai nuôi con, ai cấp dưỡng, tài sản chung chia như thế nào. Thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn khi một bên đang ở nước ngoài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan