Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội đang là thực tế diễn ra phổ biến thời gian gần đây. Vậy “khổ chủ” phải làm gì khi bị bôi nhọ trên facebook hiện nay?
Bôi nhọ danh dự người khác trên facebook bị xử phạt thế nào?
Câu hỏi: Mẹ của tôi ở quê, có xích mích với bác hàng xóm bên cạnh. Hôm vừa rồi, hai người có xảy ra xô xát. Tôi có đọc được trên facebook của bác ấy là những lời lẽ nói về mẹ tôi rất khó nghe. Rất nhiều lời nói mang tính bôi nhọ danh dự của mẹ tôi trên facebook. Cho tôi hỏi hành vi bôi nhọ danh dự người khác trên facebook bị xử phạt thế nào theo quy định hiện hành? Tôi xin cảm ơn (Vũ Trương Hoàng – Thanh Hóa).
Trả lời:
Khẳng định về quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm, Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nêu như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội là hành vi xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người.
Hành vi bôi nhọ người khác được thể hiện qua nhiều hình thức, điển hình như những lời bình luận mang tính chất sỉ nhục, lăng mạ, chửi rủa hoặc những thông tin sai lệch sự thật… được đăng tải lên mạng xã hội nhằm mục đích hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác.
Do đó, hành vi bôi nhọ người khác trên facebook có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
…
Đây là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (Căn cứ Điều 4 Nghị định 15).
Đặc biệt, nếu trường hợp bôi nhọ danh dự người khác một cách nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về Tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 về Tội vu khống. Cụ thể:
– Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 tội làm nhục người khác quy định:
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
b) Làm nạn nhân tự sát.
– Khoản 3 Điều 156 Bộ luật này quy định tội vu khống như sau:
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
Như vậy, khung hình phạt cao nhất của 02 tội này lần lượt là 05 năm và 07 năm tù giam.
Tố cáo đến đâu khi bị bôi nhọ trên facebook? (Ảnh minh họa)
Xem them: https://luatdanviet.com/doi-ten-co-phai-lam-lai-toan-bo-giay-to-khong
Tố cáo đến đâu khi bị bôi nhọ trên facebook?
Câu hỏi: Vợ chồng chúng tôi kết hôn được 01 năm, không có con chung hay tài sản chung gì, nên chúng tôi đã giải quyết thủ tục ly hôn xong xuôi từ giữa năm 2020. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi liên tục bị chồng cũ gây phiền hà vì anh ta muốn tôi quay lại nhưng tôi từ chối. Anh ta đã nhiều lần đưa các tin không đúng sự thật về tôi cùng nhiều hình ảnh riêng tư của tôi lên facebook nhằm bôi nhọ danh dự của tôi với mọi người. Tư vấn giúp tôi là tôi cần làm gì để chấm dứt việc này và bảo vệ danh dự cho bản thân. Tôi xin cảm ơn (Vừ Thị Thiêm – Cao Bằng).
Trả lời:
Khi bị người khác bôi nhọ danh dự trên Facebook, người bị bôi nhọ cần hành động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín:
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Như vậy, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Ngoài việc yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin xấu về danh dự, người bị bôi nhọ danh dự cũng có thể thực hiện quyền tố cáo.
Để thực hiện quyền này, người tố cáo viết Đơn tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền.
Nếu có dấu hiệu hình sự thì thẩm quyền giải quyết được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau:
4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:
a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;
b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra…
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 145 Bộ luật này:
1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm…
Như vậy, công dân có thể tố giác hành vi có dấu hiệu hình sự tới cơ quan công an, Viện kiểm sát ở bất cứ đâu… Các cơ quan này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đối với hành vi không có dấu hiệu hình sự mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính, khoản 2 Điều 24 Luật Tố cáo cũng quy định:
Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Nói tóm lại, người dân có thể gửi đơn tố cáo hoặc đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan công an để được giải quyết hoặc hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về hành vi bôi nhọ danh dự trên Facebook.