Toàn bộ giấy tờ để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

Hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sở hữu nhà ở (cấp Sổ đỏ cho nhà ở) khi có giấy tờ chứng minh việc tạo lập nhà ở hợp pháp. Dưới đây là danh sách những giấy tờ để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Tại trang 2 của Giấy chứng nhận sẽ ghi thông tin quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Căn cứ theo Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và ghi tại trang 2 của Giấy chứng nhận thì hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong những loại giấy tờ sau để chứng minh:

1. Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Trường hợp nhà ở đã xây dựng không đúng với giấy phép được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định tại Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước từ trước ngày 05/7/1994.

3. Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết.

4. Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân…

5. Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

– Nếu nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế kể từ ngày 01/7/2006 thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật về nhà ở.

– Nếu nhà ở do mua của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết.

6. Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.

7. Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì:

– Phải có giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01/7/2006 có chữ ký của các bên có liên quan và phải được UBND cấp xã xác nhận.

– Nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01/7/2006 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được UBND cấp xã xác nhận về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở đó.

– Nếu người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ quy định trên mà hiện trạng nhà ở không phù hợp với giấy tờ đó thì phần nhà ở không phù hợp với giấy tờ phải được UBND cấp xã xác nhận.

8. Trường hợp cá nhân trong nước không có giấy tờ thì phải có xác nhận của UBND cấp xã như sau:

– Phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01/7/2006, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp nhà ở hoàn thành xây dựng kể từ ngày 01/7/2006 trở về sau thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch.

– Nếu nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó.

Kết luận: Để được cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở thì người dân phải có một trong những loại giấy tờ để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như quy định trên và nộp khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoặc khi thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở.

Click xem thêm:

Thủ tục sang tên Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay

Toàn bộ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan