Từ năm 2021, áp dụng một quy định mới liên quan đến xây dựng nhà ở nông thôn. Người dân cần đặc biệt lưu ý đến quy định này.
Xây nhà ở nông thôn mấy tầng phải xin Giấy phép?
Từ năm 2021, Luật Xây dựng đã được sửa đổi mới, trong đó quy định, nhà ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện:
– Quy mô dưới 07 tầng
– Thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được phê duyệt.
Như vậy, có thể thấy, từ năm 2021, xây nhà ở nông thôn có quy mô cao từ 07 tầng trở lên thì phải xin giấy phép xây dựng.
Trước đây, Luật Xây dựng năm 2014 quy định mọi nhà ở riêng lẻ ở nông thôn đều được miễn giấy phép xây dựng, trừ nhà ở xây trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Từ 2021, xây nhà từ 7 tầng không phép bị phạt thế nào?
Hiện nay, dù Luật Xây dựng đã được sửa đổi bổ sung và áp dụng từ ngày 01/01/2021, nhưng quy định xử phạt đối với trường hợp xây nhà ở nông thôn không có giấy phép hiện vẫn chưa được ban hành.
Khoản 5 Điều 15 của Nghị định 139 năm 2017 chỉ quy định xử phạt đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, hoặc xây nhà ở riêng lẻ tại khu bảo tồn, di tích lịch sử văn hóa… không có giấy phép.
Sắp tới, Nghị định này sẽ sớm được sửa đổi, trong đó bổ sung mức phạt với trường hợp xây nhà ở nông thôn từ 07 tầng trở lên mà không có giấy phép.
Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở
Thủ tục xin giấy phép đối với nhà ở nông thôn như thế nào?
Nếu như có ý định xây một căn nhà cao từ 7 tầng trở lên ở nông thôn thì nhất định phải làm thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Theo Điều 11 Thông tư 15 năm 2016 của Bộ Xây dựng, trước tiên cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép xây dựng nhà ở theo mẫu do Chính phủ ban hành.
– Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, như Sổ đỏ
– Bản sao 02 bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, mỗi bộ gồm:
+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 – 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình.
+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 – 1/200.
+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cần nộp đến Bộ phận một cửa của UBND cấp huyện.
Thời gian giải quyết thủ tục là không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Lệ phí phải nộp khi xin cấp Giấy phép xây dựng tùy thuộc vào từng địa phương nơi xây nhà. Tuy nhiên, mặt bằng chung thì lệ phí này ở mức rất thấp chỉ dao động khoảng 50.000 – 75.000 đồng.