Mặc dù pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định mỗi người tham gia chỉ có một sổ bảo hiểm xã hội, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vẫn có những trường hợp người lao động có hai hay nhiều sổ bảo hiểm xã hội.
Sổ bảo hiểm xã hội ghi nhận thông tin, quá trình đóng cũng như chế độ hưởng quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội. Vì thế, sổ bảo hiểm xã hội là tài liệu quan trọng nhất đối với những người tham gia.
Với hệ thống bảo hiểm xã hội điện tử, việc quản lý, theo dõi thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội cũng đơn giản và dễ dàng hơn với các cán bộ của cơ quan bảo hiểm. Vì thế, nếu người lao động có nhiều sổ thì khi kiểm tra cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ nắm được thông tin.
Chính vì thế, để có thể giải quyết các chế độ thì người lao động có nhiều sổ cần phải thực hiện thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội.
Gộp sổ bảo hiểm xã hội là gì?
Gộp sổ bảo hiểm xã hội là việc một người lao động có từ hai sổ trở lên ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội không trùng nhau sẽ làm thủ tục với cơ quan nhà nước để thu hồi sổ và thống nhất thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào một sổ mới.
Như vậy, nếu có từ 02 sổ bảo hiểm xã hội trở lên thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện thu hồi tất cả sổ, thay đổi và hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu thông tin và thực hiện in thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động vào sổ mới. Và để thực hiện việc này thì người lao động phải nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền giải quyết.
Hồ sơ gộp sổ bảo hiểm xã hội.
Khi tiến hành gộp sổ bảo hiểm xã hội, người tham gia, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các tài liệu như sau:
– Tờ khai TK1 – TS (tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ) dành cho người lao động.
– Tất cả những số bảo hiểm xã hội của người lao động đang sở hữu.
– Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân của người lao động yêu cầu gộp sổ bảo hiểm xã hội.
– Doanh nghiệp cần có bảng kê thông tin theo mẫu D01 – TS.
Xem thêm: https://luatdanviet.com/tu-van-phap-luat-online-truc-tuyen-giai-dap-moi-thac-mac
Không gộp sổ bảo hiểm xã hội có được không?
Trong quá trình lao động, người lao động hoàn toàn có thể thay đổi nhiều công việc và vì thế hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp người lao động được cấp hai hay nhiều sổ bảo hiểm xã hội.
Theo các quy định về bảo hiểm xã hội thì việc hưởng các chế độ như thai sản, hưu trí, tử tuất… thì đều cần phải có sổ bảo hiểm xã hội và sổ bảo hiểm xã hội sẽ là căn cứ thể hiện quá trình đóng và xác định người lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ hay không.
Như vậy, sổ bảo hiểm xã hội là căn cứ quan trọng và là tài liệu không thể thiếu trong giải quyết các chế độ cho người lao động.
Bên cạnh đó, nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là mỗi một người tham gia sẽ được cấp 01 sổ bảo hiểm xã hội với 01 mã số bảo hiểm riêng. Và khi yêu cầu hưởng bất kỳ một chế độ nào khi cơ quan bảo hiểm tra cứu thấy người lao động có nhiều sổ sẽ yêu cầu người lao động làm thủ tục gộp sổ.
Ngoài ra, thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội sẽ mất thời gian và có thể sẽ lâu nếu cần phải xác minh. Chính vì thế, việc hưởng các quyền lợi sẽ không được giải quyết ngay và nhiều trường hợp sẽ làm mất quyền lợi.
Chính vì thế, khi người lao động có từ 02 sổ bảo hiểm xã hội trở lên cần phải thực hiện gộp sổ bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm để thuận tiện cho quá trình tham gia tiếp theo cũng như thuận lợi hơn trong khi làm các thủ tục hưởng chế độ.
Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội
Chủ thể thực hiện gộp sổ bảo hiểm xã hội bao gồm người lao động/ người tham gia bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp nơi người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để thực hiện gộp sổ bảo hiểm xã hội, các cá nhân/ tổ chức cần thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội tiến hành soạn thảo hồ sơ theo các tài liệu đã nêu phía trên.
Hồ sơ sẽ được lập thành 01 bộ và nếu là doanh nghiệp thực hiện thủ tục thì trong thành phần hồ sơ phải có bảng kê thông tin theo mẫu hiện hành.
Bước 2: Nộp hồ sơ gộp sổ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội thực hiện thủ tục thì sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện nơi cư trú để được giải quyết.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục này thay cho người lao động thì hồ sơ sẽ được nộp đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội.
Bước 3: Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết hồ sơ.
Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành tra cứu, xác minh lại quá trình đóng ở nhiều đơn vị, nhiều tỉnh khác nhau và thực hiện thống nhất lại quá trình đóng và ra sổ bảo hiểm xã hội mới.
Thời hạn giải quyết:
Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Nếu trường hợp phải xác minh lại quá trình đóng tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì thời hạn sẽ không quá 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Bước 4: Nhận kết quả của thủ tục.
Người lao động sẽ được cấp một sổ bảo hiểm xã hội mới có đầy đủ thông tin quá trình đóng trước đó tại các sổ của người lao động.