Các doanh nghiệp áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế là đối tượng được đặt in hóa đơn giá trị gia tăng để sử dụng.
Cho nên, doanh nghiệp mới thành lập nếu đủ điều kiện tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; thì, gửi văn bản Đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in (Mẫu số 3.14 thuộc Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình.
Đặt in hóa đơn là việc doanh nghiệp thỏa thuận với doanh nghiệp có giấy phép hoạt động ngành in (bao gồm cả in xuất bản phẩm và không phải xuất bản phẩm) để in hóa đơn theo mẫu do doanh nghiệp thiết kế. Thỏa thuận đặt in hóa đơn phải được lập thành hợp đồng cụ thể.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, cơ quan thuế sẽ có văn bản Thông báo về việc sử dụng hóa đơn đặt in (Mẫu số 3.15 thuộc Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) đến doanh nghiệp; nếu cơ quan thuế không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp vẫn được sử dụng hóa đơn đặt in – Thủ trưởng cơ quan thuế chịu trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản trả lời doanh nghiệp.
Mẫu hóa đơn là do doanh nghiệp tự thiết kế, nhưng cần đảm bảo có các nội dung như mẫu Hóa đơn giá trị gia tăng (Mẫu 5.1 thuộc Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC).
Doanh nghiệp nên tham khảo danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện in hóa đơn từ cơ quan thuế. Vì, các doanh nghiệp đó sẽ có nhiều kinh nghiệm để đảm bảo đầy đủ các thủ tục, giấy tờ cần thiết và có thể hướng dẫn doanh nghiệp thêm nhiều chi tiết hơn.
Đôi bên phải tiến hành thanh lý hợp đồng đặt in hóa đơn sau khi bàn giao đầy đủ, bên nhận in phải xuất hóa đơn cho doanh nghiệp nếu không sẽ bị xử phạt.
Lưu ý:
Người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền cho người khác thực hiện công việc với cơ quan thuế, nhưng phải có Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục cụ thể và xuất trình khi thực hiện công việc.