Trình tự xác minh tài sản, thu nhập gồm bao nhiêu bước?

Xác minh tài sản, thu nhập là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định. Theo đó, trình tự xác minh tài sản, thu nhập gồm bao nhiêu bước?

Câu hỏi: Tôi đang tìm hiểu các quy định về kê khai tài sản, thu nhập kính nhờ luatdanviet.com chỉ giúp trình tự kê khai tài sản thu nhập được quy định ở văn bản nào và gồm bao nhiêu bước. Xin cảm ơn – Nguyễn Vũ Hanh (Phú Yên)

Trả lời:

Căn cứ xác minh tài sản, thu nhập

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ nêu tại khoản 1 Điều 41 Luật Phòng chống tham nhũng 2018:

– Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

– Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;

– Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;

– Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.

Cụ thể, theo Điều 16 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí sau:

+ Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

+ Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.

+ Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong trường hợp: đang bị điều tra, truy tố, xét xử; đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

– Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định.

trình tự xác minh tài sản thu nhập gồm bao nhiêu bước

Trình tự xác minh tài sản, thu nhập gồm bao nhiêu bước theo quy định mới nhất? (Ảnh minh họa)

Trình tự xác minh tài sản, thu nhập

Theo quy định tại Điều 44 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, trình tự xác minh tài sản, thu nhập gồm 06 bước sau:

Bước 1: Ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập.

Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập trong thời hạn:

– 05 ngày làm việc kể từ ngày có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định;

– 15 ngày kể từ ngày có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực hoặc có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc hoặc có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo hoặc thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.

Bước 2: Yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình.

Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập có quyền:

– Yêu cầu người được xác minh giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó;

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;

– Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ việc xác minh

Bước 3: Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập

Thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập thu thập thông tin, tài liệu, xác minh tại chỗ đối với tài sản, thu nhập

Bước 4: Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập

Thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Tổ trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Tổ trưởng về nội dung báo cáo.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra quyết định xác minh, Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập phải báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập bằng văn bản cho người ra quyết định xác minh; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày.

Bước 5: Kết luận xác minh tài sản, thu nhập

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh phải ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày

Bước 6: Gửi và công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập có trách nhiệm công khai Kết luận xác minh.

Nội dung xác minh tài sản, thu nhập

nội dung xác minh tài sản thu nhập

Nội dung xác minh tài sản, thu nhập gồm những gì? (Ảnh minh họa)

Căn cứ Điều 43 Luật Phòng, chống tham nhũng, nội dung xác minh tài sản, thu nhập gồm:

– Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai.

– Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập

Căn cứ tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương… Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm.

Kế hoạch xác minh phải có các nội dung sau:

– Mục đích, yêu cầu;

– Số lượng, tên cơ quan, đơn vị được xác minh;

– Tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;

– Việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh.

Lưu ý: Nơi không có cơ quan thanh tra thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan nào?

cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập

Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập là cơ quan nào? (Ảnh minh họa)

Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng gồm:

(1) Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người có nghĩa vụ kê khai) thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

(2) Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp (1).

(3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

(4) Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(5) Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

(6) Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

(7) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

(8) Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan