Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc một số tội phạm khác có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân sau khi chấp hành xong hình phạt chính. Vậy tước một số quyền công dân là gì?
Tước một số quyền công dân là gì?
Tước một số quyền công dân là một trong những hình phạt bổ sung của pháp luật hình sự.
Cụ thể, tại Điều Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, công dân Việt Nam khi bị kết án phạt tù về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong trường hợp do Bộ luật Hình sự quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
– Quyền được ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
– Quyền được làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền được phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 – 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu người bị kết án được hưởng án treo.
Tước một số quyền công dân là gì? (Ảnh minh họa)
Thi hành án tước một số quyền của công dân
Khoản 12 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 giải thích:
Thi hành án phạt tước một số quyền công dân là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này tước một hoặc một số quyền công dân của người chấp hành án theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trong đó, thủ tục thi hành án tước một số quyền của công dân được quy định tại Điều 125 Luật Thi hành án hình sự như sau:
– Trong thời gian 02 tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân bị tước một số quyền công dân, Giám thị trại tạm giam, Giám thị trại giam, Thủ trưởng Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về trả tự do phạm nhân cho UBND cấp xã, Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện và Sở Tư pháp nơi người đó về cư trú.
– Sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự là Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự quân khu nơi người đó chấp hành án phải gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự là Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.
– Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản trên, cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt tước một số quyền công dân và thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi người đó về cư trú. Hồ sơ gồm có:
+ Bản sao bản án và bản sao quyết định thi hành án phạt tù;
+ Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;
+ Các tài liệu liên quan khác.
– Trường hợp người chấp hành án là người được hưởng án treo thì sau khi nhận được bản án, quyết định thi hành án sẽ do Tòa án gửi, Công an cấp huyện lập hồ sơ và thông báo cho cơ quan nơi người chấp hành án làm việc, UBND xã nơi người đó cư trú.
– Khi hết thời hạn chấp hành án, Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt. Giấy chứng nhận này phải gửi cho người chấp hành án, UBND xã nơi người đó cư trú, Tòa án ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp.
– Nếu người chấp hành án chết, UBND xã nơi người chấp hành án cư trú phải thông báo cho Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án ra quyết định thi hành án. Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án ra quyết định thi hành án phải quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho Công an cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, UBND xã nơi người chấp hành án cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định thi hành án có trụ sở.
Trên đây là giải thích về tước một số quyền công dân là gì? Nếu còn gặp vướng mắc, hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được giải đáp.
Xem thêm:
Miễn thị thực là gì? Trường hợp nào được miễn thị thực tại Việt Nam?
Chiếm hữu ngay tình là gì? Khác gì chiếm hữu không ngay tình?