Trục xuất là một biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, người không quốc tịch tại Việt Nam bằng cách buộc những người này ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất là gì?
Tại Điều 37 Bộ Luật hình sự 2015 quy định, trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Điều 27 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dựa vào các quy định trên, về cơ bản, khái niệm trục xuất trong pháp luật Việt Nam đều thống nhất rằng trục xuất là một biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, người không quốc tịch được cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý bằng cách buộc những người này ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất mang tính cưỡng chế thi hành đối với những đối tượng bị áp dụng hình phạt.
Định nghĩa về trục xuất trong pháp luật hình sự và hành chính có nhiều nét tương đồng chung, tuy nhiên mỗi lĩnh vực pháp luật cụ thể sẽ có những đặc điểm riêng biệt.
Trục xuất trong pháp luật hình sự
Điều 37 Bộ luật Hình sự quy định về trục xuất như sau:
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Theo pháp luật hình sự, công dân Việt Nam và người nước ngoài, người không quốc tịch đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng.
Tuy nhiên, đối với người nước ngoài, người không quốc tịch thì việc áp dụng các hình phạt còn liên quan đến vấn đề ngoại giao giữa các nước. Vì vậy, công tác tố tụng hình sự đối với người nước ngoài vừa phải thực hiện một cách chặt chẽ và tuân thủ pháp luật vừa phải giữ được mối quan hệ ngoại giao.
Theo đó, hình phạt trục xuất tại Điều 37 Bộ Luật hình sự là hình phạt riêng biệt dành cho các đối tượng phạm tội là người nước ngoài, người không quốc tịch.
Trường hợp Tòa án đã áp dụng hình phạt chính là các hình phạt khác, không phải là trục xuất. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án có thể áp dụng trục xuất như là một hình phạt bổ sung.
Xem thêm:
Hạch toán là gì? Hiện nay có những loại hạch toán nào?
Trục xuất trong pháp luật hành chính
Trục xuất được quy định tại Điều 27 Luật xử lý vi phạm hành chính như sau:
1. Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Người nước ngoài tại Việt Nam khi tham gia vào các quan hệ xã hội đôi lúc sẽ có những hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Ngoài việc có thể bị áp dụng các chế tài xử phạt hành chính như phạt cảnh cáo, phạt tiền,… theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì trục xuất là một chế tài đặc biệt được áp dụng riêng cho đối tượng vi phạm hành chính là người nước ngoài.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng tuy nhiên trục xuất trong pháp luật hành chính có một số điểm khác so với trục xuất được quy định trong pháp luật hình sự như sau:
– Hậu quả của các hành vi vi phạm hành chính nhỏ hơn so những hậu quả của các hành vi phạm tội hình sự gây ra.
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định trục xuất một người nước ngoài có hành vi vi phạm trong pháp luật trong hình sự là Tòa án. Còn trong lĩnh vực hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định trục xuất đó là Giám đốc cơ quan công an cấp tỉnh và Cục trưởng cực quản lý xuất nhập cảnh.
– Người bị tòa án tuyên hình phạt trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam thì bị xem là một án tích. Còn đối với việc bị áp dụng chế tài trục xuất trong lĩnh vực hành chính thì không bị xem là một án tích.
Quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất
Điều 8 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định về quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất như sau:
Người bị trục xuất có quyền:
– Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành;
– Được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp;
– Được thực hiện các chế độ ăn, mặc, sinh họạt riêng quy định tại Điều 31 Nghị định này trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất;
– Được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
– Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Người bị trục xuất có nghĩa vụ:
– Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất;
– Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
– Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
– Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương I, Phần thứ tư của Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trên đây là giải thích về trục xuất là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.