Tình trạng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ đứng tên một người khá phổ biến. Trong trường hợp này, người còn lại có quyền gì không? để biết rõ câu trả lời hãy xem quy định dưới đây.
Chị Lê Kim H (Vĩnh Phúc) gửi câu hỏi: “Tôi và chồng cưới năm 2008 và hiện tại gia đình tôi đang sống trong ngôi nhà và đất do vợ chồng mua năm 2015. Tuy nhiên, khi sang tên Sổ đỏ thì chỉ mình chồng tôi đứng tên. Vậy nhà đất đó có phải là tài sản chung không? làm cách nào để tôi được đứng tên cùng chồng trong Sổ đỏ?”. |
Luật Dân Việt trả lời như sau:
1. Nhà đất là tài sản chung
Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
– Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
– Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
– Trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung.
Theo thông tin mà chị cung cấp và đối chiếu với quy định trên thì nhà và đất hiện gia đình chị đang ở là tài sản chung. Chị và chồng là người sử dụng đất và có đầy đủ các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn,…Hay nói cách khác, chị và chồng bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với nhà đất dù chồng chị một mình đứng tên Giấy chứng nhận.
2. Cách để vợ chồng cùng đứng tên Giấy chứng nhận
Theo điểm d khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu ghi cả tên vợ và tên chồng thì thực hiện theo thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận.
* Trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận
– Chuẩn bị hồ sơ:
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, người thực hiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
– Quy trình thực hiện thủ tục cấp đổi:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Địa điểm nộp hồ sơ như sau:
– Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu địa phương chưa tổ chức Văn phòng đăng ký đất đai) hoặc bộ phận một cửa.
– Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu (xã, phường, thị trấn).
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3. Giải quyết yêu cầu
Bước 4. Trao kết quả
* Thời hạn thực hiện
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời hạn cấp đổi không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trừ ngày nghỉ lễ, tết.
Kết luận: Trường hợp nhà, đất là tài sản chung nhưng chỉ đứng tên một người thì người vợ hoặc chồng còn lại vẫn có đầy đủ quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; nếu muốn Giấy chứng nhận đứng tên hai vợ chồng thì thực hiện thủ tục cấp đổi.
Tham khảo thêm: