Để sang tên Sổ đỏ an toàn và hợp pháp thì người mua cần biết rõ những cách kiểm tra thông tin về thửa đất mà mình có ý định mua như thửa đất có thuộc quy hoạch không, có đang thế chấp tại ngân hàng hay có xảy ra tranh chấp không?
1. Kiểm tra điều kiện sang tên
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có đủ 04 điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận, trừ 02 trường hợp.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, người nhận chuyển nhượng cần kiểm tra đầy đủ 04 điều kiện trên thông qua nhiều cách khác nhau như: Kiểm tra trên Giấy chứng nhận, hỏi thông tin từ những hộ dân xung quanh hoặc công chức địa chính xã, phường, thị trấn.
2. Xem thông tin quy hoạch, thế chấp
* Thông tin về quy hoạch
Mặc dù theo quy định trong một số trường hợp thửa đất thuộc quy hoạch vẫn được chuyển nhượng nhưng không ai muốn nhận chuyển nhượng thửa đất thuộc quy hoạch vì giá bồi thường luôn thấp hơn giá nhận chuyển nhượng. Do vậy, cần kiểm tra thông tin quy hoạch, tránh tình trạng nhận chuyển nhượng một thời gian ngắn rồi bị thu hồi.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung 37 Luật liên quan đến quy hoạch 2018 thì toàn bộ nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai theo quy định sau:
– UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện; công bố công khai nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở UBND cấp xã.
– Việc công bố công khai được thực hiện chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Việc công khai được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch sử dụng đất.
Như vậy, để kiểm tra thửa đất có thuộc quy hoạch hay không thì kiểm tra qua các cách sau:
– Hỏi thông tin từ người dân tại khu vực có thửa đất.
– Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
– Hỏi thông tin từ địa chính xã, phường, thị trấn nơi có đất.
– Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.
* Thông tin về thế chấp
Khi thế chấp nếu các bên thực hiện đúng quy định thì thông tin thế chấp sẽ được ghi tại trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận nên có thể xem thửa đất có thế chấp hay không tại trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận hoặc xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Tham khảo thêm:
Sang tên Sổ đỏ khi bố hoặc mẹ mất không để lại di chúc thế nào?
Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
3. Kiểm tra mục đích sử dụng đất
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 thì một trong những nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện khi sử dụng đất là sử dụng đúng mục đích, nếu không sử dụng đúng mục đích (tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định 04 trường hợp không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
Theo đó, cần kiểm tra mục đích sử dụng đất trước khi chuyển nhượng để tránh nhầm lẫn, chuyển nhượng không đúng loại đất hoặc đất không được chuyển nhượng, tặng cho.
Có 02 cách kiểm tra mục đích sử dụng đất là xem tại trang 2 Giấy chứng nhận hoặc sổ địa chính vì mục đích sử dụng đất được thể hiện tại trang 2 của Giấy chứng nhận và ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể như: “Đất ở tại nông thôn”, “Đất ở tại đô thị”, “Đất thương mại, dịch vụ”…(theo khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).
4. Xem lịch sử giao dịch của thửa đất
Thực tế hiện nay rất nhiều thửa đất đã được mua đi bán lại nhiều lần nhưng không thực hiện thủ tục sang tên theo quy định dẫn tới tình trạng người đang sử dụng đất không phải là người đứng tên trên Giấy chứng nhận. Để tránh xảy ra tranh chấp thì cần kiểm tra thông tin về lịch sử giao dịch của thửa đất tại Văn phòng đăng ký đất đai như sau:
Trước tiên cần tải mẫu phiếu xin thông tin đất đai. Tại phiếu xin thông tin đất đai theo Mẫu số 01/PYC người dân có thể tích vào ô “lịch sử biến động” để xem lịch sử giao dịch hoặc tích vào ô “tất cả thông tin trên”.
Lưu ý: Nếu tích vào ô “tất cả thông tin trên” sẽ có đầy đủ thông tin về quy hoạch, tình trạng pháp lý, thế chấp của thửa đất nhưng nộp nhiều tiền hơn.
Theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, sau khi điền đầy đủ thông tin thì thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã.
Bước 2. Tiếp nhận yêu cầu
– Khi nhận được phiếu yêu cầu hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân.
– Người tiếp nhận, xử lý yêu cầu và thông báo nghĩa vụ tài chính cho tổ chức, cá nhân.
– Trường hợp từ chối cung cấp thông tin đất đai phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3. Trả kết quả
Trên đây là một số cách kiểm tra thông tin thửa đất để sang tên Sổ đỏ an toàn và hợp pháp. Nếu thửa đất có đủ điều kiện thì các bên xem và thực hiện theo thủ tục sang tên Sổ đỏ với 3 bước đơn giản và nhanh chóng.