Theo quy định của pháp luật hình sự, tái phạm và tái phạm nguy hiểm đều là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Tái phạm là gì?
Tái phạm là một trong những tình tiết phản ánh nhân thân xấu của người phạm tội. Đồng thời, được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể, khoản 1 Điều 53 Bộ luật Hình sự định nghĩa về tái phạm như sau:
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Như vậy, hành vi được coi là tái phạm khi cá nhân, pháp nhân đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội thuộc 01 trong 03 trường hợp sau:
(1) Thực hiện hành vi phạm tội bất kỳ với lỗi cố ý. Cụ thể, theo Điều 10 Bộ luật Hình sự quy định, cố ý phạm tội là phạm tội trong các trường hợp:
+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả và mong muốn hậu quả xảy ra;
+ Người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.
(2) Thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý.
Theo điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ trên 07 đến 15 năm tù.
Còn vô ý phạm tội theo Điều 11 Bộ luật Hình sự là phạm tội trong các trường hợp:
+ Người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
+ Người phạm tội không thấy được trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
(3) Thực hiện tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vô ý.
Theo điểm d khoản 1 Điều 9, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mức cao nhất của khung hình phạt quy định là từ trên 15 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích nhưng có hành vi phạm tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng với lỗi vô ý thì không được coi là tái phạm.
Ví dụ: Tháng 01 năm 2018, A phạm tội cướp tài sản với mức phạt 03 năm tù giam. Sau khi ra tù, đến tháng 05 năm 2021 anh A lại tiếp tục phạm tội cướp tài sản và bị đưa ra truy tố theo yêu cầu của người bị hại. Do chưa được xóa án tích mà A đã tiếp tục phạm tội cướp tài sản với lỗi cố ý nên hành vi phạm tội của anh A được coi là tái phạm.
Tái phạm là gì? Tái phạm nguy hiểm là gì? (Ảnh minh họa)
Tái phạm nguy hiểm là gì?
Tương tự như tái phạm, tái phạm nguy hiểm cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Bộ luật Hình sự. Cụ thể, khoản 2 Điều 53 quy định 02 trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
(1) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, chưa được xoá án tích mà tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý.
Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ trên 07 đến 15 năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mức cao nhất của khung hình phạt quy định là từ trên 15 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý là việc người phạm tội đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; Hoặc người phạm tội nhận đã thức rõ hành vi mà mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.
(2) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý. Đối với trường hợp này, hành vi bị coi là tái phạm sẽ không phân biệt tội ít nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Ví dụ: Năm 2003, anh B phạm tội buôn bán ma túy và bị kết án 17 năm tù (là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Sau khi ra tù 01 năm, anh B lại bị cơ quan chức năng khởi tố về tội vận chuyển trái phép chất ma túy với khung hình phạt từ 07 – 15 năm (là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Như vậy, hành vi phạm tội của anh B được xem là tái phạm nguy hiểm.
Trên đây là giải thích về Tái phạm là gì? Tái phạm nguy hiểm là gì? Nếu có thắc mắc nào khác, độc giả có thể gửi câu hỏi cho Luật Dân Việt để được giải đáp.
Xem thêm: