Hiện nay, việc cho vay tín chấp là một trong những hình thức phổ biến bên cạnh việc cho vay thế chấp. Vậy, tín chấp là gì? Khi vay tín chấp thì người vay cần phải lưu ý gì để bảo vệ quyền, lợi ích của mình?
Tín chấp được quy định thế nào trong Bộ luật Dân sự?
Tín chấp là một thuật ngữ được khá nhiều người biết đến trong đời sống xã hội. Về mặt ngữ nghĩa, tín chấp được hiểu là việc sử dụng uy tín của một cá nhân, tổ chức để vay vốn hoặc đảm bảo một nghĩa vụ nào đó.
Hiện nay, tín chấp không được định nghĩa tại bất kỳ một văn bản pháp luật nào. Dù không có định nghĩa vụ thể về tín chấp nhưng Bộ luật Dân sự đã dành hẳn một phần về tín chấp. Theo đó, tín chấp là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bên cạnh cầm cố, thế chấp, đặc cọc, ký cược… nêu tại Điều 292 Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, Điều 344 Bộ luật này nêu rõ:
Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Có thể hiểu, mặc dù không định nghĩa về tín chấp nhưng căn cứ Điều 344 nêu trên, có thể thấy tín chấp có đặc điểm như sau:
– Là việc tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở dùng uy tín của mình để bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo một khoản vay nhằm sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
– Bên thực hiện cho vay là tổ chức tín dụng.
Đồng thời, về bên bảo đảm bằng tín chấp, Điều 45 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định gồm tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở.
Tuy nhiên, nếu Điều lệ của các tổ chức này quy định khác thì sẽ thực hiện theo Điều lệ.
Tín chấp được quy định thế nào theo quy định của Bộ luật Dân sự? (Ảnh minh họa)
Tín chấp có đặc điểm như thế nào?
Mặc dù Bộ luật Dân sự không định nghĩa cụ thể tín chấp là gì nhưng Điều 345 Bộ luật Dân sự hiện đang có hiệu lực đã quy định về hình thức và nội dung của tín chấp cụ thể như sau:
– Tín chấp phải được lập thành văn bản. Trong đó, nêu rõ điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn, có xác nhận của tổ chức chính trị, xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
– Nội dung trong thỏa thuận đảm bảo bằng tín chấp phải có số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất vay cụ thể; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay; tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị, xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
Ngoài ra, Điều 46 Nghị định 21/2021/NĐ-CP có đề cập đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong tín chấp như sau:
Bên bảo đảm bằng tín chấp
– Giúp đỡ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn.
– Giám sát việc người vay có dùng vốn vay đúng mục đích không.
– Đôn đốc người vay trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
– Xác nhận về điều kiện, hoàn cảnh của người vay theo yêu cầu của bên cho vay…
Tổ chức tín dụng cho vay vốn
– Yêu cầu tổ chức bảo đảm bằng tín chấp phối hợp kiểm tra việc dùng vốn vay và đôn đốc người vay trả nợ.
– Phối hợp với tổ chức bảo đảm bằng tín chấp khi cho vay và thu hồi nợ…
Cá nhân, hộ nghèo được tín chấp
– Dùng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay.
– Tạo điều kiện cho các bên kiểm tra việc dùng vốn vay.
– Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn…
Trên đây là các quy định về tín chấp là gì? Nếu còn thắc mắc về vấn đề khác, hãy gửi câu hỏi cho Luật Dân Việt để được giải đáp.
Xem thêm: