Một số loại giấy tờ, tài liệu bắt buộc phải được chứng thực khi tham gia giao dịch. Vậy chứng thực là gì, các loại chứng thực hiện nay và giá trị pháp lý của chúng được quy định như thế nào?
Chứng thực là gì?
Trước tiên cần khẳng định rằng, hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng khái niệm chứng thực mà chỉ có khái niệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng.
Từ các khái niệm liên quan, có thể hiểu, chứng thực được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính chính xác, hợp pháp của các giấy tờ, văn bản, chữ ký của các nhân, thông tin cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính.
Các loại chứng thực
Ngay từ tên gọi của Nghị định 23/2015/NĐ-CP có thể biết được chứng thực bao gồm các loại sau:
– Cấp bản sao từ sổ gốc (hay còn gọi là chứng thực bản sao từ sổ gốc): Là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc phải có nội dung đúng với nội dung ghi trong sổ gốc.
– Chứng thực bản sao từ bản chính: Là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
Trong đó, bản chính là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
– Chứng thực chữ ký: là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch: Là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Giá trị pháp lý của văn bản chứng thực
Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:
– Bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giấy tờ.
– Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó và là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký giấy tờ, văn bản.
– Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, tùy từng loại văn bản chứng thực sẽ có giá trị pháp lý khác nhau.
Trên đây là câu trả lời của câu hỏi Chứng thực là gì? Các loại chứng thực và giá trị pháp lý?. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
Xem thêm: