Việc xác định ai là người chưa thành niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tố tụng cũng như trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, cụm từ này có lẽ nhiều người từng nghe đến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này.
Người chưa thành niên là ai? Có phải trẻ em không?
Hiện nay, người chưa thành niên được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi
Như vậy, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên, không phải người chưa thành niên nào cũng có thể coi là trẻ em. Bởi theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016:
Trẻ em là người dưới 16 tuổi
Do đó, trẻ em là người chưa thành niên nhưng người chưa thành niên chưa chắc là trẻ em. Bởi độ tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được xác định là người chưa thành niên mà không được coi là trẻ em.
Người chưa thành niên thực hiện giao dịch như thế nào?
Về việc thực hiện giao dịch dân sự, Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, có thể chia người chưa thành niên thành các độ tuổi sau đây:
– Người chưa đủ 06 tuổi: Giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
– Người từ đủ 06 tuổi – chưa đủ 15 tuổi: Phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trừ các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
– Người từ đủ 15 tuổi – chưa đủ 18 tuổi: Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trừ liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký hoặc các giao dịch mà luật quy định phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Trong đó, người đại diện theo pháp luật được liệt kê cụ thể tại Điều 136 Bộ luật Dân sự gồm:
– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
– Người giám hộ đối với người được giám hộ; Nếu được Tòa án chỉ định thì người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Người do Tòa án chỉ định với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…
Như vậy, để xác định người chưa thành niên có được tự mình thực hiện giao dịch dân sự không thì căn cứ vào từng độ tuổi theo quy định nêu trên.
Người chưa thành niên phạm tội không bị chung thân/tử hình
Hiện nay, pháp luật rất nhân đạo với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, khoản 5 Điều 91 Bộ luật Hình sự nêu rõ:
Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Đặc biệt, chỉ trong các trường hợp cần thiết thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi. Việc xử lý đối tượng này phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho họ cũng như chủ yếu chỉ nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Không chỉ vậy, khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Về hình phạt tù có thời hạn, Điều 101 Bộ luật Hình sự căn cứ vào độ tuổi để quy định hình phạt cao nhất như sau:
– Người từ đủ 16 tuổi – dưới 18 tuổi khi phạm tội: Điều luật được áp dụng quy định chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức cao nhất là không quá ¾ mức phạt đó.
– Với người từ đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi phạm tội: Nếu điều luật áp dụng hình phạt chung thân hoặc tử hình thì mức cao nhất không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì cao nhất không quá ½ mức phạt tù mà điều luật quy định.
Xem thêm: Tổng hợp các hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội
Phạm tội với người chưa thành niên là tình tiết tăng nặng?
Theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự, các tình tiết được coi là tăng nặng trách nhiệm hình sự gồm:
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
[…]
i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi…
[…]
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
[…]
Như vậy, nếu một người thực hiện hành vi phạm tội mà có tình tiết “phạm tội với người dưới 16 tuổi” hoặc “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” thì sẽ bị coi là có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người đó.
Xem thêm:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Thông báo lưu trú trực tuyến là gì?
Trên đây là câu trả lời của câu hỏi: Người chưa thành niên là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24h giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.