Tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định trong một thời hạn nhất định (thường là 50 năm hoặc theo giấy phép đầu tư), trước khi hết thời hạn có quyền nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thủ tục gia hạn sở hữu nhà ở đối với cá nhân nước ngoài
Căn cứ khoản 1 Điều 77 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) và thời hạn sở hữu nhà ở được ghi rõ trong Giấy chứng nhận. Cá nhân nước ngoài có nhu cầu gia hạn thì có thể được gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sở hữu nhà ở
– Thời hạn thực hiện: Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở 03 tháng (xem trong Giấy chứng nhận), nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì phải thực hiện.
– Thành phần hồ sơ:
+ Đơn đề nghị gia hạn, trong đó ghi rõ thời hạn đề nghị gia hạn thêm và cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Ví dụ: Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Thành phố Hà Nội thì trong đơn phải ghi rõ “Kính gửi: Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội”.
+ Bản sao có công chứng hoặc chứng thực Giấy chứng nhận hoặc lựa chọn nộp bản sao và xuất trình bản gốc để đối chiếu.
– Nơi nộp: Bộ phận một cửa hoặc trung tâm hành chính công của tỉnh, thành nơi có nhà ở.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hạn sở hữu nhà ở
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, UBND cấp tỉnh xem xét và có văn bản đồng ý gia hạn 01 lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu nhưng tối đa không quá 50 năm kể từ khi hết hạn sở hữu lần đầu ghi trong Giấy chứng nhận, trừ trường hợp khi hết hạn sở hữu lần đầu mà cá nhân người nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc phải xuất cảnh hoặc buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.
Căn cứ văn bản đồng ý gia hạn của UBND cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm ghi gia hạn trong Giấy chứng nhận; cơ quan cấp Giấy chứng nhận phải sao 01 bản Giấy chứng nhận và chuyển cho Sở Xây dựng để theo dõi.
Lưu ý: Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có quyền sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Hồ sơ, thủ tục gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Thủ tục gia hạn sở hữu nhà ở đối với tổ chức nước ngoài
Khoản 2 Điều 77 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch mua bán, thuê mua, nhận thừa kế, tặng cho nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức đó được cấp và ghi rõ trong Giấy chứng nhận. Khi hết thời hạn và có nhu cầu gia hạn thì được xem xét gia hạn theo quy định như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị gia hạn
– Thời hạn thực hiện: Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở 03 tháng (xem trên Giấy chứng nhận), nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn phải làm hồ sơ đề nghị.
– Thành phần hồ sơ:
+ Đơn đề nghị gia hạn, trong đó ghi rõ thời hạn đề nghị gia hạn thêm và cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở.
+ Bản sao có công chứng hoặc chứng thực Giấy chứng nhận đối với nhà ở (Sổ hồng), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn hoạt động hoặc lựa chọn nộp bản sao và xuất trình bản gốc để đối chiếu.
– Nơi nộp: Bộ phận một cửa hoặc trung tâm hành chính công tỉnh, thành nơi có nhà ở.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của chủ sở hữu, UBND cấp tỉnh xem xét và có văn bản đồng ý gia hạn 01 lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu nhưng tối đa không quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gia hạn hoạt động.
Căn cứ văn bản đồng ý gia hạn của UBND cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm ghi gia hạn trong Giấy chứng nhận; cơ quan cấp Giấy chứng nhận phải sao 01 bản Giấy chứng nhận và chuyển cho Sở Xây dựng để theo dõi.
Lưu ý: Trường hợp khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu mà cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc phải xuất cảnh hoặc buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam thì không được gia hạn theo quy định trên; nhà ở của đối tượng bị buộc xuất cảnh hoặc buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, cụ thể:
– Khi quá thời hạn được sở hữu nhà mà tổ chức, cá nhân nước ngoài không thực hiện quyền bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Việt Nam. Sở Xây dựng có trách nhiệm trình UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở ban hành quyết định xác lập sở hữu toàn dân và tiến hành thu hồi nhà này để thực hiện việc quản lý, cho thuê hoặc bán theo quy định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
– Trong trường hợp bị buộc xuất cảnh hoặc buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam do việc sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình vi phạm quy định pháp luật Việt Nam thì nhà ở này bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Trên đây là quy định về gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Mặc dù không phải mọi trường hợp đều được gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam (vì do UBND cấp tỉnh xem xét theo quy định) nhưng trước khi hết hạn sở hữu tổ chức, cá nhân nước ngoài phải nắm rõ quy định gia hạn để tránh tình trạng mất quyền sở hữu.
Xem thêm: Sang tên Sổ đỏ hộ gia đình 2022: Hồ sơ, thủ tục và tiền phải nộp