Nhượng quyền thương mại được hiểu là một hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình thực hiện việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định.
Trong quá trình hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, bên cạnh sự cạnh tranh của các doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường thì cũng có những hoạt động khác như nhượng quyền thương mại được diễn ra phổ biến vì tính chất có lợi đem lại cho cả đôi bên.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin tư vấn các quy định pháp lý về hình thức này về khái niệm, vài trò và các hình thức nhượng quyền thương mại phổ biến hiện nay để Quý khách hàng có thể nắm rõ hơn.
Khái niệm nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại được hiểu là một hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình thực hiện việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định.
Cụ thể các điều kiện, căn cứ theo điều 284 Luật thương mại năm 2005 quy định:
+ Việc tiến hành mua bán hàng hóa, cung ứng các dịch vụ được tiến hành dựa theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định thực hiện và được gắn trực tiếp với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, các khẩu hiệu kinh doanh, quảng cáo kinh doanh, biểu tượng kinh doanh của bên nhượng quyền;
+ Bên nhượng quyền được quyền kiểm soát và hỗ trợ cho bên nhận quyền trong việc điều hành các công việc kinh doanh của mình.
Vai trò của nhượng quyền thương mại
Không thể phủ nhận được vai trò của nhượng quyền thương mại đối với hoạt động kinh doanh hiện nay trên thị trường. Cùng điểm qua một số vai trò như sau:
Vai trò đối với chính doanh nghiệp nhượng quyền
Khi các doanh nghiệp nhượng quyền lựa chọn hình thức chuyển nhượng quyền thương mại của mình cho các bên nhận nhượng quyền là khi các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính hoặc muốn tìm kiếm, mở rộng một thị trường mới.
Nhượng quyền thương mại cũng giúp các doanh nghiệp nhượng quyền giảm chi phí, rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nhượng quyền thương mại giúp các doanh nghiệp mở rộng, phát triển thương hiệu trên một phạm vi mới, có thể là ở trong nước hoặc mở rộng ra nước ngoài.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay mà các doanh nghiệp khi chuyển nhượng có thể gặp phải là khó kiểm soát khi doanh nghiệp thực hiện mở rộng phạm vi kinh doanh; vấn đề phải chia sẻ bí quyết kinh doanh hoặc các kiến thức chuyên môn có thể bị mất cắp.
Vai trò đối với doanh nghiệp nhận quyền chuyển nhượng thương mại
Khi các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh đặc biệt là những doanh nghiệp mới được thành lập, việc nhận quyền chuyển nhượng giúp họ không mất quá nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu bởi các thương hiệu đó đã được công nhận trên thị trường.
Đồng thời, doanh nghiệp khi nhận quyền chuyển nhượng sẽ được hưởng lợi từ các thương hiệu chuyển nhượng như có những khách hàng quen thuộc, các bí quyết kinh doanh hoặc có được sự hỗ trợ từ chính bên nhượng quyền.
Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đó là phải chuẩn bị một khoản tiền tài chính đầu tư ban đầu khá lớn để mua bản quyền, mua các nguồn cung cấp, trang thiết bị vật tư. Ngoài ra, doanh nghiệp nhận nhượng quyền phải thực hiện theo quy tắc quản lý chung của bên chuyển nhượng.
Như vậy, thực tế hiện nay cho thấy, mô hình chuyển nhượng thương mại thích hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp vừa mới thành lập còn yếu kém về năng lực trong quản lý bởi họ có thể phát triển dựa trên mô hình kinh doanh đã được xây dựng và có uy tín trên thị trường. Từ đó, có thể xây dựng cho mình được những kinh nghiệm, những bài học kinh doanh để có thể tự đứng vững trên thị trường.
Các hình thức nhượng quyền thương mại phổ biến hiện nay
Các hình thức nhượng quyền thương mại phổ biến hiện nay có thể kể đến các hình thức sau đây:
1/ Nhượng quyền thương mại theo khu vực lãnh thổ
+ Nhượng quyền thương mại trong nước: Các thương hiệu Việt Nam hiệu nay cũng đã bắt đầu phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại giữa các doanh nghiệp mới nhau, thường là giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa mới được thành lập.
+ Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam: Đây là hình thức mà các chủ thương hiệu nước ngoài thực hiện đầu tư vào Việt Nam theo hình thức franchise. Có thể kể đến một số thương hiệu nổi tiếng như: KFC, Jollibee,…
+ Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài: Hiện nay, có các thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam đã được nhượng quyền ra các nước, có thể kể đến các thương hiệu như: cà phê Trung Nguyên, Phở 24,…
2/ Nhượng quyền thương mại căn cứ theo tiêu chí kinh doanh
+ Nhượng quyền phân phối sản phẩm: Đây là hình thức mà người nhượng quyền cho phép người được nhận quyền phân phối các sản phẩm do mình sản xuất hay các dịch vụ do mình cung ứng trong phạm vi và theo thời gian nhất định. Tuy nhiên, người nhận quyền chỉ được phép sử dụng biểu tượng, tên nhãn hiệu, khẩu hiệu, logo,… trong các hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
Có thể kể đến các thương hiệu đã được nhượng quyền cho loại hình thức này như: coca cola, hãng xe hơi Ford,…
+ Nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh
Hiện nay, đây được coi là hình thức chuyển nhượng thương mại phổ biến nhất, hay còn được gọi với tên gọi khác là nhượng quyền kinh doanh. Theo đó, bên nhượng quyền không chỉ cho phép bên nhận nhượng quyền thương mại được phép phân phối các sản phẩm dưới dạng thương hiệu của họ mà còn được chuyển giao kỹ thuật kinh doanh, công thức điều hành quản lý doanh nghiệp và hỗ trợ cho các nhân viên của bên nhận nhượng quyền các yêu cầu, kĩ năng cơ bản.
3/ Nhượng quyền thương mại theo mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh
+ Franchise độc quyền
Đây là hình thức nhượng quyền có thể nói là đang diễn ra phổ biến nhất hiện nay trên thị trường kinh doanh trong việc các đơn vị, doanh nghiệp muốn mở rộng thương hiệu của mình ra nước ngoài.
Hình thức này chủ thương hiệu sẽ chỉ thực hiện chọn và chỉ định một số đối tác nhất định tại quốc gia mà mình muốn đưa thương hiệu đó xâm nhập sâu vào thị trường để làm đối tác mua franchise độc quyền về kinh doanh và phân phối các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Đối tượng được áp dụng nhận nhượng quyền có thể là cá nhân hoặc một công ty nào đó ở trong phạm vi được độc quyền kinh doanh. Và để được nhận độc quyền như vậy, bên nhận quyền sẽ phải thực hiện chi trả một khoản phí franchise ban đầu cho bên chuyển nhượng. Nhưng đổi lại họ được quyền chủ động tự mở thêm nhiều các cửa hàng hay bán franchise lại cho bất kỳ cá nhân, công ty nào khác trong phạm vi khu vực mà họ có thể kiểm soát được.
+ Franchise vùng
Đây là một hình thức nhượng quyền thương mại mà theo đó người mua sẽ nhận nhượng quyền từ chính người chủ thương hiệu hoặc từ người mua master franchise để thực hiện việc bán lại cho người mua franchise nhỏ lẻ trong vùng kèm theo các điều kiện đã được thỏa thuận với bên nhượng quyền.
+ Franchise phát triển khu vực
Đây là một hình thức nhượng quyền được áp dụng theo khu vực nhất định, giúp người nhận nhượng quyền được phép độc quyền về thương hiệu trong một phạm vi và một thời hạn nhất định cụ thể.
Khác với master franchise, đối tác nhận quyền phát triển theo khu vực không được quyền bán lại franchise cho bất kỳ ai, dù là cá nhân, đơn vị, công ty nào.
+ Franchise riêng lẻ
Hình thức nhượng quyền thương mại này sẽ phù hợp với việc nhượng quyền riêng lẻ áp dụng cho từng đối tác ở nước ngoài và thích hợp đối với các quốc gia cùng nằm trong một khu vực nhất định.
Khi lựa chọn chuyển nhượng theo hình thức này, chủ thương hiệu có thể làm việc và kiểm tra được với từng doanh nghiệp nhượng quyền. Đồng thời, phí franchise thu được sẽ không phải đem chia cho một đối tác kinh doanh trung gian nào.
Xem thêm:
Dịch vụ đăng ký logo công ty nhanh gọn