Tranh chấp đất đai trên thực tế có nhiều biểu hiện khác nhau như tranh chấp về tường rào, lối đi, ranh giới. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà được giải quyết theo những quy định khác nhau.
1. Giải quyết tranh chấp về tường rào giải quyết thế nào?
1.1. Quy định về mốc giới giữa các thửa đất liền kề
Mốc giới giữa các thửa đất liền kề chủ yếu được thể hiện bằng cột mốc, hàng rào, tường rào hoặc cây xanh.
Mốc giới được người sử dụng đất lập trên phần đất của mình (phần diện tích giáp ranh), mốc giới trong trường hợp này thuộc sở hữu riêng của người lập mốc giới. Bên cạnh đó, còn có trường hợp các bên thỏa thuận lập mốc giới trên ranh giới giữa các thửa đất liền kề, khi đó mốc giới thuộc sở hữu chung.
Quy định về mốc giới giữa các thửa đất liền kề được nêu rõ tại Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.”.
1.2. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp mốc giới giữa các thửa đất
Trường hợp 1: Tranh chấp về sở hữu mốc giới giữa các chủ bất động động sản liền kề
Khi xảy ra tranh chấp trong trường hợp này, các bên có những phương thức giải quyết như sau:
– Thương lượng: Là phương thức giải quyết trong đó hai bên tranh chấp tự giải quyết.
– Hòa giải: Là phương thức giải quyết trong đó bên thứ ba đứng ra hòa giải tranh chấp giữa các bên, bên thứ ba không phải là Tòa án nhân dân.
– Khởi kiện: Trường hợp này các bên giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (khởi kiện vụ án dân sự).
Trường hợp 2: Tranh chấp khi lấn, chiếm mốc giới (lấn, chiếm tường rào, hàng cây,…).
Việc lấn, chiếm ranh giới thửa đất với những biểu hiện trên thực tế như lấn, chiếm tường rào, hàng cây, cột mốc,… Đó là hình thức phổ biến của tranh chấp đất đai (tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất).
Nếu muốn giải quyết tranh chấp đất đai các bên thực hiện theo quy định sau:
* Hòa giải và hòa giải bắt buộc
Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định các bên tranh chấp đất đai mà hòa giải không thành hoặc không tự hòa giải thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để tiến hành hòa giải. Nếu không hòa giải tại Ủy ban dân dân xã, phường, thị trấn mà gửi đơn đề nghị Ủy ban dân dân cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân thì bị trả lại đơn.
* 2 cách giải quyết nếu hòa giải không thành
Cách 1: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi có đất tranh chấp
– Áp dụng đối với những trường hợp sau:
+ Đương sự có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
+ Trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức, đó là chọn giải quyết tại Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh.
– Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Bước 2: Tiếp nhận và thụ lý
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Bước 4: Xét xử sơ thẩm
Bước 5: Thi hành án
Xem chi tiết: Hướng dẫn khởi kiện tranh chấp đất đai
Cách 2: Đề nghị Ủy ban dân dân cấp có thẩm quyền giải quyết
Áp dụng đối với trường hợp tranh chấp mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
(Chọn giải quyết tại Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh. Nói cách khác, nếu chọn giải quyết tại Tòa án thì không được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và ngược lại).
Riêng trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau thì gửi đơn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
2. Cách giải quyết tranh chấp lối đi qua
2.1. Thửa đất bị vây bọc có quyền mở lối đi “hợp lý” trên thửa đất phía ngoài
Căn cứ khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, thửa đất ở phía trong (bị bao bọc) mà không có lối đi hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu người sử dụng đất ở phía ngoài dành cho mình một lối đi trên phần đất của họ.
Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên.
2.2. Các bước giải quyết tranh chấp lối đi qua
Mỗi trường hợp tranh chấp về lối đi qua sẽ có tình tiết khác nhau nhưng loại tranh chấp phổ biến nhất là người sử dụng đất phía ngoài không cho mở lối đi qua.
Khi xảy ra tranh chấp thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“… nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.”.
Thủ tục giải quyết vụ án về tranh chấp lối đi được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, gồm những bước sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiên
Bước 2: Tiếp nhận và thụ lý
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Bước 4: Xét xử sơ thẩm
Bước 5: Thi hành án
Trên đây là cách giải quyết tranh chấp về tường rào, lối đi qua. Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin về tranh chấp đất đai liên quan đến trường hợp của mình, bấm gọi ngay 0926 220 286 và nói với các chuyên gia pháp lý của chúng tôi vấn đề của bạn.
Xem thêm: