Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ mới đang đến gần. Tuy nhiên, không phải mọi người đều biết bầu cử có bắt buộc không?
Có bắt buộc phải đi bầu cử đại biểu HĐND không?
Câu hỏi: Năm nay là năm đầu tiên em đủ tuổi tham gia bầu cử, tuy nhiên em đang ở nước ngoài và đến thời gian bầu cử em vẫn chưa về nước. Cho em hỏi, việc bầu cử có bắt buộc không? Vì lần bầu cử trước em có thấy hàng xóm không đi nên ở trên phường mang hòm phiếu đến tận nhà. – Lê Trường (Cần Thơ).
Trả lời:
Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 về tuổi bầu cử và ứng cử quy định:
Điều 2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này
Bên cạnh đó, theo Điều 27 Hiến pháp 2013, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Đồng thời, Điều 15 Hiến pháp quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân:
Điều 15.
1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Qua những quy định trên, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Vậy, có thể thấy bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm đảm bảo cho công dân đủ điều kiện lựa chọn đại biểu mình mong muốn vào cơ quan quyền lực Nhà nước.
Theo đó, quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Bầu cử đồng thời là quyền và là nghĩa vụ của công dân. Như vậy, tham gia bầu cử là không bắt buộc.
Có bắt buộc đi bầu cử không? Không đi có bị phạt? (Ảnh minh họa)
Trường hợp không đi bầu cử có bị phạt không?
Câu hỏi: Em có tìm hiểu thì được biết đi bầu cử là quyền của công dân. Tuy nhiên, lần trước em có nghe nếu không đi thì sau này làm giấy tờ hoặc đi làm sẽ khó hơn, không được hưởng nhiều quyền lợi và có thể bị phạt. Cho em hỏi có đúng như vậy không? – Hà Giang (truonghagiang…@gmail.com).
Trả lời:
Theo phân tích từ quy định trên, bầu cử là quyền của công dân. Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền đi bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Do đó, bạn có quyền đi bầu cử hoặc không đi. Không ai có quyền ép bạn phải đi bầu cử. Cán bộ xã, phường chỉ có quyền nhắc nhở bạn tham gia ghi tên vào danh sách cử tri bầu cử, đi bỏ phiếu và không được phép xử phạt hay gây khó khăn cho công dân không tham gia.
Như vậy, việc không đi bầu cử sẽ gặp khó khăn về sau khi đi làm, khi thực hiện thủ tục, giấy tờ hành chính là không có.
Mọi hành vi gây khó khăn bằng các biện pháp như hạ thi đua, không ký giấy tờ, hạ hạnh kiểm sinh viên, công dân không tham gia bầu cử là hành vi xâm hại quyền tự do của công dân.
Đang nằm bệnh viện có bắt buộc đi bỏ phiếu bầu cử không?
Câu hỏi: Bà em đã ghi tên vào danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Do tuổi cao, sức yếu nên gần đến ngày bầu cử thì ốm phải nằm viện. Lúc đi đăng ký nghe bà bảo đăng ký tên rồi phải bắt buộc đến bỏ phiếu. Cho em hỏi có bắt buộc phải đến nơi tổ chức không? Có được bỏ phiếu tại bệnh viện không? – Hoàng Tú (Hà Tĩnh).
Trả lời:
Theo Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, nguyên tắc bầu cử được quy định như sau:
Điều 69. Nguyên tắc bỏ phiếu
1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
2. Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
…
4. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Từ quy định trên, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay trừ trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được.
Vậy, với trường hợp của bạn đọc, bà của bạn tuổi cao, đang ốm đau nằm viện nên không phải đến phòng bỏ phiếu. Trường hợp này Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.