Đất vi phạm là gì? Khi nào được cấp Sổ đỏ? Khi nào bị thu hồi?

Tùy vào thời điểm vi phạm mà đất vi phạm có thể được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng). Để hợp thức hóa được đất vi phạm trước tiên người dân cần phải nắm rõ đất vi phạm là gì và khi nào được cấp Sổ đỏ?

Lưu ý: Vi phạm pháp luật đất đai có rất loại hành vi vi phạm khác nhau nhưng trong phạm vi bài viết chỉ giới thiệu những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, vì những trường hợp này mới có thể được cấp Giấy chứng nhận.

1. Thế nào là đất vi phạm pháp luật đất đai?

Căn cứ Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có thể hiểu đất vi phạm được cấp hoặc xem xét cấp Giấy chứng nhận như sau:

Đất vi phạm là đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014 theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, gồm những trường hợp sau:

(1) Đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng như công trình giao thông, thủy lợi,… sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ.

(2) Đất lấn, chiếm lề đường, lòng đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng.

(3) Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng công trình sự nghiệp, trụ sở cơ quan, công trình công cộng khác.

(4) Đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng cho nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trại, trạm, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp.

(5) Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mà chưa được cho phép.

(6) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp như trồng cây hàng năm, cây lâu năm,… do tự khai hoang.

dat vi pham la gi

Đất vi phạm là gì? Đất vi phạm được cấp Sổ đỏ không? (Ảnh minh họa)

2. Khi nào đất vi phạm được cấp Sổ đỏ?

Khoản 5 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định người đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận, cụ thể:

– Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP gồm:

Trường hợp (1), (2), (3) tại mục trên với điều kiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng mà nay:

+ Đất vi phạm thuộc trường hợp (1) không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng.

+ Đất vi phạm thuộc trường hợp (2) không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông.

+ Đất vi phạm thuộc trường hợp (3) không có mục đích sử dụng cho công trình sự nghiệp, trụ sở cơ quan, công trình công cộng khác.

– Trường hợp điểm a và điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp như đất trồng cây hàng năm, lâu năm,… do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp Giấy chứng nhận theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất) theo hạn mức do UBND cấp tỉnh quy định.

Nếu vượt hạn mức thì diện tích vượt hạn mức không được công nhận quyền sử dụng đất mà phải chuyển sang thuê.

3. Khi nào đất vi phạm bị thu hồi?

– Các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013.

– Các trường hợp có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014 theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cụ thể:

+ Đất vi phạm thuộc trường hợp (1), (2) và (3) tại mục trên mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không điều chỉnh hoặc có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng vẫn thuộc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng,…

+ Đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao cho Ban quản lý rừng.

Người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Ban quản lý rừng xem xét (không chắc chắn giao) giao khoán bảo vệ, phát triển rừng.

+ Đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất lấn, chiếm để giao đất cho chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình đó.

Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng đến khi thu hồi đất nhưng phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định và giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất.

+ Trường hợp lấn, chiếm kể từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014, đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và hiện nay diện tích đất này vẫn được xác định giao cho nông trường, lâm trường thì UBND cấp tỉnh thu hồi đất lấn, chiếm để trả lại cho nông trường, lâm trường.

+ Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà đất đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.

Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng đến khi thu hồi đất nhưng phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định và giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất.

Xem thêm: Đất phi nông nghiệp là gì? Khi nào được chuyển sang đất ở?

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan