Tranh chấp đất đai có nhiều phương thức giải quyết, trong đó các bên tranh chấp có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án nhân dân; để không bị Tòa án trả lại đơn thì người khởi kiện phải có đủ điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai.
1. Người khởi kiện có quyền khởi kiện
Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án như sau:
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Theo quy định trên thì chỉ các bên xảy ra tranh chấp đất đai mới có quyền khởi kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện. Ví dụ: Lập hợp đồng ủy quyền để ủy quyền quyền khởi kiện cho Văn phòng luật sư.
2. Thuộc thẩm quyền Tòa án theo loại việc
Theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai là một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Tranh chấp đất đai theo quy định này gồm rất nhiều loại tranh chấp như: Tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất, tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất,…Tuy nhiên, tranh chấp đất đai áp dụng quy định của pháp luật đất đai để giải quyết là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất; tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết.
3. Tranh chấp chưa được giải quyết
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thẩm phán trả lại đơn khởi kiện nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp yêu cầu đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
Như vậy, Tòa án chỉ thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai nếu tranh chấp đó chưa được giải quyết, cụ thể:
– Tranh chấp đất đai chưa được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực của Tòa án.
– Chưa được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Tranh chấp đất đai mà chưa được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của UBND cấp huyện, cấp tỉnh.
4. Phải được hòa giải tại UBND cấp xã
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định:
“Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.
Như vậy, tranh chấp đất đai trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất thì phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất (UBND cấp xã) nếu muốn khởi kiện. Trường hợp không hòa giải tại UBND cấp xã thì không đủ điều kiện khởi kiện.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì được nộp đơn khởi kiện luôn tại Tòa án nơi có đất tranh chấp mà không phải thông qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã.
Kết luận: Chỉ khi nào người khởi kiện đủ điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai theo quy định như trên thì mới đủ điều kiện thực hiện quyền khởi kiện.
Tìm hiểu và tham khảo thêm: