Từ 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, theo đó, thay đổi điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, điều kiện nhập khẩu Hà Nội là gì?
Câu hỏi: Tôi đã có nhà ở Hà Nội nhưng chưa có hộ khẩu do chưa đáp ứng về điều kiện tạm trú do trước đây tôi ở Hà Nội nhưng không làm thủ tục đăng ký tạm trú. Nghe nói từ 01/7 tới đây chỉ cần có nhà là có hộ khẩu Hà Nội có đúng không ạ – Nguyễn Thanh Mỹ (Hưng Yên)
Trả lời:
Điều kiện nhập khẩu Hà Nội trước 01/7/2021 như thế nào?
Hiện nay, người ngoại tỉnh có nhu cầu nhập khẩu Hà Nội tùy thuộc vào từng trường hợp mà phải đáp ứng những điều kiện riêng.
Nhập hộ khẩu nội thành: Phải tạm trú 03 năm
Theo khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô 2012, để nhập hộ khẩu ở nội thành Hà Nội cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên;
– Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở
– Riêng nhà thuê phải có diện tích tối thiểu 15m2 sàn/đầu người và có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân cho thuê về việc cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
Ngoài ra, người ngoại tỉnh có thể nhập khẩu tại nội thành Hà Nội nếu được người có Sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình và thuộc một trong các trường hợp:
Vợ về ở với chồng và ngược lại; con về ở với cha, mẹ và ngược lại; Người dưới 18 tuổi không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột…
Nhập hộ khẩu ngoại thành: Phải tạm trú 01 năm
Theo khoản 3 Điều 19 của Luật Thủ đô 2012, điều kiện nhập hộ khẩu ở ngoại thành Hà Nội sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật cư trú.
Đối chiếu với Điều 20 của Luật Cư trú 2006 sửa đổi 2013 quy định về các điều kiện này như sau:
– Đã tạm trú liên tục từ 01 năm trở lên;
– Có chỗ ở hợp pháp. Nếu chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Đồng thời, người ngoại tỉnh cũng có thể nhập khẩu tại ngoại thành Hà Nội nếu được người có Sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình và thuộc một trong các trường hợp:
Vợ về ở với chồng và ngược lại; con về ở với cha, mẹ và ngược lại; Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp…
Điều kiện nhập khẩu Hà Nội từ ngày 01/7/2021 (Ảnh minh họa)
Điều kiện nhập khẩu Hà Nội từ 01/7/2021 như thế nào?
Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2020 nêu rõ điều kiện đăng ký thường trú: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
Theo đó, nếu mua nhà tại Hà Nội (có chỗ ở hợp pháp tại Hà Nội) thì bạn sẽ có hộ khẩu tại Hà Nội nếu thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thường trú theo quy định và nhà ở không thuộc các địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo Điều 23 Luật này:
– Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
– Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
– Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
– Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, Luật mới đã bỏ quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, điều kiện đăng ký thường trú tại 63 tỉnh, thành trên cả nước là như nhau.