Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân. Đây là loại nhà phổ biến nhất và khi xây nhà ở thì hộ gia đình, cá nhân phải có đủ điều kiện khởi công xây dựng nhà ở theo quy định.
1. Xây dựng nhà ở bắt buộc phải có giấy phép?
Theo khoản 2 Điều 107 Luật Xây dựng 2014, việc khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ cần có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép.
Theo đó, không phải tất cả các trường hợp xây dựng nhà ở phải có giấy phép xây dựng. Tại khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 quy định:
“Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng, công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm nhiều loại, trong đó có nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Như vậy, chỉ trong trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn (trừ khi xây trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa) mới không cần phải có giấy phép xây dựng.
Xây dựng nhà ở phải có giấy phép? (Ảnh minh họa)
2. Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở
2.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở
* Số lượng hồ sơ: Phải chuẩn bị 02 bộ hồ sơ.
* Thành phần hồ sơ: Theo Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BXD, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép giấy dựng đối với nhà ở riêng lẻ gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 1;
– Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
– Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:
+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 – 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;
+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 – 1/200;
+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200.
Trường hợp thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế quy định tại nội dung này là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.
– Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu quy định tại điểm 1, 2, 3 nội dung này, hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.
– Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
2.2. Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Xem chi tiết tại: Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở
3. Không có giấy phép xây dựng phạt tới 30 triệu đồng
Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định:
“5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị”.
Như vậy, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị không có giấy phép xây dựng bị phạt tới 30 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với trường hợp nhà ở theo quy định trước khi khởi công xây dựng phải có giấy phép nhưng không có giấy phép sẽ bị phá dỡ (theo điểm d khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014).
Kết luận:
Không phải mọi trường hợp xây dựng nhà ở đều phải có giấy phép, chỉ những khu vực sau đây mới phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công:
– Tại đô thị: Nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.
– Tại nông thôn: Nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
>> Xây dựng không phép: Buộc phá dỡ hay nộp tiền để tồn tại?
Luật Dân Việt Tư Vấn