Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy, không đeo khẩu trang phạt bao nhiêu?
Câu hỏi: Mấy ngày nay dịch Covid-19 trở lại, tôi có đọc thông tin thấy bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không đeo sẽ bị phạt nặng. Xin hỏi, cụ thể bị phạt bao nhiêu? Người tăng giá bán khẩu trang có bị phạt không? – Đỗ Nhật (Hà Nội).
Trả lời:
Mức phạt không đeo khẩu trang khi có dịch bệnh quy định thế nào?
Đúng như thông tin bạn đưa ra, hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, theo đó, việc đeo khẩu trang là một trong những biện pháp tự bảo vệ bản thân với người có nguy cơ mắc bệnh dịch.
Theo đó, mức phạt với trường hợp không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn được quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020 quy định như sau:
Điều 12. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch
1. Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
b) Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
Trong đó, đeo khẩu trang tại nơi công cộng như công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, bến tàu, bến xe, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khi đi ngoài đường… là một trong những biện pháp bảo vệ cá nhân.
Như vậy, người dân không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch sẽ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng.
(Theo quy định cũ tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng).
Không đeo khẩu trang phạt bao nhiêu tiền từ 2021? (Ảnh minh họa)
Xem thêm: https://luatdanviet.com/to-cao-den-dau-khi-bi-boi-nho-tren-facebook
Tăng giá khẩu trang khi bùng dịch bị phạt bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 117/2020, mức phạt với hành vi vi phạm quy định khác về y tế dự phòng như sau:
3. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Từ quy định trên, có thể hiểu khẩu trang là một trong những trang thiết bị y tế. Vì vậy, những người có hành vi lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lay lan cao để tăng giá bán khẩu trang thì phải chịu mức phạt cao nhất đến 30 triệu đồng.
Từ năm 2021, trốn cách ly y tế bị phạt bao nhiêu?
Cũng căn cứ theo Nghị định trên, tại Điều 11 có quy định mức phạt vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, cụ thể:
1. Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
Tại khoản 2 Điều này đề cập đến việc người nào có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Covid-19, Lassa, sốt xuất huyết do virut Ebola…) khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thì bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Đồng thời, người trốn cách ly, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thì buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Ngoài ra, trong Nghị định này cũng quy định mức phạt từ 01 đến 03 triệu đồng với một trong các hành vi vi phạm sau:
– Không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế.
– Không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra viện hoặc kết thúc việc điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trên đây là giải đáp một số thắc mắc liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch và quy định về cách ly y tế. Mỗi người dân nên tự nâng cao ý thức, trước hết đảm bảo sức khỏe cho bản thân và không để bị phạt.
Theo Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2021, để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch, không để bùng phát trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo:
a) Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người.
b) Quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn.
c) Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp về đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng.
d) Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm.
|