Chỉ còn 01 tháng nữa để cán bộ, công chức hoàn thành kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Việc kê khai tài sản như thế nào là vấn đề được đông đảo cán bộ, công chức quan tâm ngay lúc này.
Câu hỏi: luatdanviet.com cho tôi xin hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập mới nhất được không ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn – Khuất Thùy Dung (Yên Bái)
Trả lời:
1. Kê khai thông tin chung
– Họ và tên: Ghi rõ ràng, đầy đủ
– Ngày, tháng, năm sinh: Ghi theo hồ sơ được quản lý tại cơ quan.
– Chức vụ/chức danh công tác: Ghi chức vụ/chức danh tại thời điểm kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập giữ nhiều chức vụ/chức danh thì ghi đầy đủ tất cả các chức vụ/chức danh theo đối tượng diện phải kê khai tài sản, thu nhập.
Đối với chức vụ/chức danh công tác của vợ hoặc chồng thì ghi chức vụ, chức danh, nơi làm việc (nếu có) hoặc kinh doanh, lao động tự do.
– Cơ quan/đơn vị công tác: Ghi tên cơ quan, đơn vị, nơi đang làm việc thường xuyên.
Ví dụ: Nguyễn Thị H là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh F, đồng thời Đại biểu Quốc hội thì ghi là Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh F.
– Số căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân: Ghi số căn cước công dân. Nếu chưa được cấp thẻ căn cước công dân thì ghi số chứng minh thư (nhân dân/quân nhân/công an) và ghi rõ ngày cấp và nơi cấp.
– Nơi làm việc của vợ hoặc chồng người kê khai tài sản, thu nhập: Nếu vợ hoặc chồng của người kê khai làm việc thường xuyên trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì ghi rõ tên cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp đó; nếu làm việc tự do, nghỉ hưu hoặc làm việc nội trợ thì ghi rõ.
Năm 2021, phải kê khai tài sản như thế nào? (Ảnh minh họa)
2. Kê khai thông tin mô tả về tài sản
Theo đó, tài sản phải kê khai là tài sản hiện có thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người kê khai, của vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi (nếu có) chưa thành niên theo quy định của pháp luật.
1. Quyền sử dụng thực tế đối với đất là trên thực tế người kê khai có quyền sử dụng đối với thửa đất bao gồm đất đã được cấp hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
1.1. Đất ở: Đất được sử dụng vào mục đích để ở theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp thửa đất được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau mà trong đó có đất ở thì kê khai vào mục đất ở.
– Ghi cụ thể số nhà (nếu có), ngõ, ngách, khu phố, thôn, xóm, bản; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Ghi diện tích đất (m2) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc diện tích đo thực tế (nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
– Giá trị: Giá gốc tính bằng tiền Việt Nam, cụ thể
+ Trường hợp tài sản có được do mua, chuyển nhượng thì ghi số tiền thực tế phải trả khi mua hoặc nhận chuyển nhượng cộng với các khoản thuế, phí khác (nếu có);
+ Trường hợp tài sản có được do tự xây dựng, chế tạo, tôn tạo thì ghi tổng chi phí đã chi trả để hoàn thành việc xây dựng, chế tạo, tôn tạo cộng với phí, lệ phí (nếu có) tại thời điểm hình thành tài sản;
+ Trường hợp tài sản được cho, tặng, thừa kế thì ghi theo giá thị trường tại thời điểm được cho, tặng, thừa kế cộng với các khoản thuế, phí khác (nếu có) và ghi “giá trị ước tính”;
+ Trường hợp không thể ước tính giá trị tài sản vì các lý do như tài sản sử dụng đã quá lâu hoặc không có giao dịch đối với tài sản tương tự thì ghi “không xác định được giá trị” và ghi rõ lý do.
+ Nếu thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ghi số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tên người được cấp hoặc tên người đại diện (nếu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của nhiều người); nếu thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ghi “chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
– Thông tin khác (nếu có): Ghi cụ thể về tình trạng thực tế quản lý, sử dụng (ví dụ như người kê khai đứng tên đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu nhưng thực tế là của người khác); tình trạng chuyển nhượng, sang tên và hiện trạng sử dụng như cho thuê, cho mượn,…
1.2. Kê khai các loại đất có mục đích sử dụng không phải là đất ở theo quy định của Luật Đất đai.
2. Nhà ở, công trình xây dựng
– Nhà ở:
+ Loại nhà: Ghi “căn hộ” nếu là căn hộ trong nhà tập thể, chung cư; ghi “nhà ở riêng lẻ” nếu là nhà được xây dựng trên thửa đất riêng biệt.
+ Diện tích sử dụng: Ghi tổng diện tích (m2) sàn xây dựng của tất cả các tầng của nhà ở riêng lẻ, biệt thự bao gồm cả các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng kỹ thuật, tầng áp mái và tầng mái tum.
Nếu là căn hộ thì diện tích được ghi theo giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua, hợp đồng thuê của nhà nước.
– Công trình xây dựng khác là công trình xây dựng không phải nhà ở.
Hướng dẫn kê khai thông tin mô tả tài sản (Ảnh minh họa)
3. Tài sản khác gắn liền với đất
Kê khai những tài sản gắn liền với đất mà có tổng giá trị mỗi loại ước tính từ 50 triệu trở lên.
– Cây lâu năm: Cây trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm gồm: cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm, cây lâu năm lấy gỗ, cây tạo cảnh, bóng mát. Cây mà thuộc rừng sản xuất thì không ghi vào mục này.
– Rừng sản xuất là rừng trồng.
4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác: Ghi các loại vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên. Nếu ngoại tệ thì ghi số lượng và số tiền quy đổi ra tiền Việt Nam.
6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (khai theo từng loại):
– Vốn góp: Ghi từng hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh, cả trực tiếp và gián tiếp.
– Các loại giấy tờ có giá khác như chứng chỉ quỹ, kỳ phiếu, séc,…
7. Tài sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên
– Tài sản phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký: Ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tầu thủy, tàu bay, thuyền và những động sản khác mà theo quy định phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký có giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
– Các loại tài sản khác như cây cảnh, bàn ghế, tranh ảnh và các loại tài sản khác mà giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
8. Tài sản ở nước ngoài: Kê khai tài sản ở nước ngoài phải kê khai tất cả loại tài sản nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, tương tự mục 1 đến mục 7 của Phần II và nêu rõ tài sản đang ở nước nào.
9. Tài khoản ở nước ngoài: Kê khai các tài khoản mở tại ngân hàng ở nước ngoài; các tài khoản khác mở ở nước ngoài không phải là tài khoản ngân hàng nhưng có thể thực hiện các giao dịch bằng tiền, tài sản (như tài khoản mở ở các công ty chứng khoán nước ngoài, sàn giao dịch vàng nước ngoài, ví điện tử ở nước ngoài…).
10. Tổng thu nhập giữa hai lần kê khai
Kê khai riêng tổng thu nhập của người kê khai, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.
Trong trường hợp có những khoản thu nhập chung mà không thể tách riêng thì ghi tổng thu nhập chung vào phần các khoản thu nhập chung.
Nếu có thu nhập bằng ngoại tệ, tài sản khác thì quy đổi thành tiền Việt Nam (gồm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, tiền thu do bán tài sản, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác).
Đối với kê khai lần đầu thì không phải kê khai tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. Đối với lần kê khai thứ hai trở đi được xác định từ ngày kê khai liền kề trước đó đến ngày trước ngày kê khai.
3. Kê khai biến động tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc
Lưu ý: Nếu là kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thì không phải kê khai mục này
– Kê khai tài sản tăng hoặc giảm tại thời điểm kê khai so với tài sản đã kê khai trước đó và giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm, nguồn hình thành thu nhập trong kỳ áp dụng với lần kê khai thứ hai trở đi.
Nếu không có tăng, giảm tài sản thì ghi rõ là “Không có biến động” ngay sau tên của Mục III.
– Nếu tài sản tăng thì ghi dấu cộng (+) và số lượng tài sản tăng vào cột “số lượng tài sản”, ghi giá trị tài sản tăng vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và giải thích nguyên nhân tăng vào cột “nội dung giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm và tổng thu nhập”.
– Nếu tài sản giảm thì ghi dấu trừ (-) vào cột “số lượng tài sản”, ghi giá trị tài sản giảm vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và giải thích nguyên nhân giảm tài sản vào cột “Nội dung giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm và tổng thu nhập”.
– Tổng thu nhập giữa hai lần kê khai: Ghi tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và ghi rõ từng khoản thu nhập có được trong kỳ kê khai.
Ví dụ: Trong thời kỳ từ 16/12/2019 đến 15/12/2020, ông A bán một thửa đất ở 100 m2 ở địa chỉ B, giá trị của thửa đất lúc mua là 500 triệu, thu được 4 tỷ đồng; ông A sử dụng tiền bán thửa đất trên mua 01 căn hộ 100 m2 tại chung cư C giá mua 3,5 tỷ đồng và mua một ô-tô Toyota với giá 1 tỷ đồng, đăng ký biển kiểm soát 18E-033.55. Thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp của gia đình ông A là 600 triệu, thu nhập từ các khoản đầu tư là 1 tỷ đồng, sau khi chi tiêu ông A gửi tiết kiệm ở ngân hàng D số tiền 500 triệu.
Ông A sẽ ghi như sau:
Loại tài sản, thu nhập
Tăng/giảm
Nội dung giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và tổng thu nhập
Số lượng tài sản
Giá trị tài sản, thu nhập
1. Quyền sử dụng đất
1.1/Đất ở
– Bán thửa đất B
– 100m2
500 triệu
Giảm do bán
2. Nhà ở, công trình xây dựng
2.1. Nhà ở
– Mua căn hộ tại chung cư C
+ 100 m2
3.500 triệu
Mua nhà từ tiền bán thửa đất B
3. Tài sản khác gắn liền với đất
4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
– Gửi tiết kiệm tại ngân hàng D
+ 01 Sổ tiết kiệm
500 triệu
Tiết kiệm từ thu nhập
6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên
7. Tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, bao gồm:
7.1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký
– Mua ô tô, số ĐK: 18E-033.55
+ 01
1.000 triệu
Mua từ tiền bán đất và thu nhập trong năm
8. Tài sản ở nước ngoài
9. Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
+ 5.600 triệu
– Thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp 600 triệu;
– Thu nhập từ các khoản đầu tư 1.000 triệu;
– Tiền bán thửa đất B được 4.000 triệu
4. Lưu ý khi kê khai tài sản, thu nhập
– Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ghi rõ phương thức kê khai: kê khai lần đầu hay kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ.
– Kê khai lần đầu thì không phải kê khai Mục III “Biến động tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm”, không tự ý thay đổi tên gọi, thứ tự các nội dung quy định tại mẫu này.
– Người kê khai phải ký ở từng trang và ký, ghi rõ họ tên ở trang cuối cùng của bản kê khai.
– Bản kê khai phải được lập thành 02 bản để bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý mình (01 bản bàn giao cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, 01 bản để phục vụ công tác quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị và hoạt động công khai bản kê khai).
– Người của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai khi tiếp nhận bản kê khai phải kiểm tra tính đầy đủ của các nội dung phải kê khai. Sau đó ký và ghi rõ họ tên, ngày tháng năm nhận bản kê khai.
– Ghi ngày hoàn thành việc kê khai.
Xem thêm: https://luatdanviet.com/truoc-31-3-2021-phai-hoan-thanh-ke-khai-tai-san-lan-dau