Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp cho các đối tượng sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp được bảo hộ về mặt pháp lý, được ghi nhận bởi cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, để đảm bảo các quyền đó, chủ sở hữu cũng cần phải nộp các khoản phí, lệ phí khi đăng ký đồng thời nộp các khoản phí, lệ phí duy trì quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Với từng đối tượng sở hữu trí tuệ, cơ quan đăng ký, trình tự và hồ sơ đăng ký là khác nhau, đồng thời chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho mỗi đối tượng là khác nhau. Theo đó, chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo từng nhóm đối tượng như sau:
Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ:
Đối tượng cơ bản khi tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý. Cơ quan thực hiện thủ tục thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng này là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Đối với việc đăng ký các đối tượng nêu trên, phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể theo Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Chi phí đăng ký bao gồm: phí nộp đơn, phí thẩm định về mặt hình thức đơn, phí công bố đơn, phí thẩm định về mặt nội dung đơn và phí cấp văn bằng.
Để xác định chi phí các loại phí cần phải nộp, người nộp đơn có thể đối chiếu với các mục phí thể hiện trên tờ khai với mức phí được quy định trong Thông tư 263/2016/TT-BTC nêu trên để tính được chính xác chi phí cần phải nộp.
Chi phí đăng ký này được nộp thành 2 lần: lần 1: tại thời điểm nộp đơn và lần 2 tại thời điểm có thông báo dự định cấp văn bằng. Do đó, người nộp đơn cần lưu ý, chi phí cấp văn bằng chỉ được thu khi các đối tượng đã đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ và được Cục sở hữu trí tuệ ra thông báo về chi phí cấp văn bằng.
Nếu nhãn hiệu đã nộp đơn trong khoảng thời gian dài mà chưa có Thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn cần liên hệ ngay với Cục sở hữu trí tuệ hoặc đại diện sở hữu công nghiệp của mình để cập nhật thông tin. Tránh việc dù nhãn hiệu đã đáp ứng đủ điều kiện cấp văn bằng, chủ đơn không nộp phí cấp văn bằng sẽ bị Cục sở hữu trí tuệ từ chối bảo hộ, dẫn đến lãng phí thời gian và chi phí theo đuổi đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, sau khi các đối tượng này được cấp giấy chứng nhận, chủ sở hữu cần lưu ý đến khoảng thời gian để gia hạn quyền sở hữu của mình. Cụ thể:
Đối với nhãn hiệu có thời hạn bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp đơn (được gia hạn nhiều lần liên tiếp); Kiểu dáng công nghiệp có thời hạn là 5 năm (chỉ gia hạn được 3 lần).
Sáng chế có thời hạn bảo hộ là 20 năm, Giải pháp hữu ích có thời hạn bảo hộ là 10 năm (Chủ sở hữu phải nộp phí duy trì hàng năm nếu muốn giữ quyền sở hữu).
Do đó, với mỗi đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trên, ngoài phí đăng ký đã nộp ban đầu, chủ sở hữu cần phải nộp phí gia hạn hoặc duy trì nếu muốn tiếp tục có quyền sở hữu đối với các đối tượng này.
Xem thêm:
Hướng dẫn Đăng ký bảo hộ logo công ty
Lệ Phí Đăng Ký Mã Vạch Cho Sản Phẩm Tại Cơ Quan Nhà Nước
Đăng ký quyền tác giả:
Đối tượng tiến hành đăng ký quyền tác giả bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật (tác phẩm viết, kịch bản chương trình, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm tạo hình, tác phẩm kiến trúc), chương trình máy tính hoặc quyền liên quan đến quyền tác giả của các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Với các đối tượng đăng ký quyền tác giả nêu trên, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền tác giả là Cục bản quyền tác giả. Theo đó, phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng đó được quy định rõ trong Thông tư 211/2016/TT-BTC ban hành ngày 10 tháng 11 năm 2016, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01 năm 2017.
Chi phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả chỉ phải nộp 1 lần duy nhất, sau khi các đối tượng này được Cục bản quyền tác giả ghi nhận và cấp giấy chứng nhận quyền tác giả. Chủ sở hữu không phải nộp phí gia hạn hoặc duy trì cho việc bảo hộ quyền tác giả cho các đối tượng đó.