Sổ bảo hiểm xã hội rất quan trọng đối với bất cứ ai tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Thế nhưng, có những người chưa từng được cầm trên tay cuốn sổ này.
Câu hỏi: Tôi tham gia BHXH từ ngày 08/4/2018. Đến nay, tôi chưa từng được công ty đưa cho cuốn sổ bảo hiểm xã hội. Cho tôi hỏi, sổ BHXH gồm những nội dung gì và theo quy định của pháp luật, loại sổ này do ai giữ – Minh Hương (Hà Nội)
Trả lời:
Sổ bảo hiểm xã hội là gì?
Hiện nay trong các văn bản pháp luật về bảo hiểm không hề đề cập đến khái niệm Sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, đây là cuốn sổ ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của mỗi cá nhân. Cụ thể, trong đó có: Thời gian tham gia BHXH; mức lương đóng BHXH…
Những nội dung trong sổ bảo hiểm xã hội
Theo Điều 4 Quyết định 1035/QĐ-BHXH, nội dung ghi trên sổ bảo hiểm xã hội như sau:
– Trang 1: Ghi họ tên của người tham gia; Số sổ BHXH
– Trang 2: Ghi tên cơ quan ban hành sổ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Họ tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; quốc tịch; số chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước của người tham gia; Chữ ký, họ tên và đóng dấu của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
– Trang 3: Ghi các chế độ người tham gia BHXH đã hưởng; Ngày, tháng, năm được hưởng.
– Trang 4: Ghi “Những điều cần chú ý”.
– Tờ rời sổ BHXH: Ghi quá trình đóng BHXH, được chia thành 05 cột như sau:
+ Cột 1, cột 2 “Từ tháng năm”, “Đến tháng năm”: Ghi khoảng thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHXH tự nguyện của người tham gia
+ Cột 3 “Diễn giải”
+ Cột 4 “Căn cứ đóng”
+ Cột 5 “Tỷ lệ đóng (%)”.
Sổ bảo hiểm xã hội rất quan trọng với những người lao động (Ảnh minh họa)
Sổ Bảo hiểm xã hội ai giữ?
– Trước ngày 01/01/2016: Theo điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm “bảo quản sổ bảo hiểm xã hội” của người lao động trong thời gian người lao động làm việc.
– Từ ngày 01/01/2016 – thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, thì theo Luật này, người lao động có trách nhiệm giữ và bảo quản sổ BHXH của mình (khoản 3 Điều 19).
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, Sổ bảo hiểm xã hội do người lao động giữ. Do đó bạn được quyền giữ và bảo quản sổ của mình, ngay cả khi bạn đang làm việc tại công ty.
Sổ bảo hiểm xã hội có được cầm cố không?
Câu hỏi: Nhiều công nhân trong nhà máy của tôi truyền tai nhau rằng, nếu có khó khăn về tài chính có thể đem sổ bảo hiểm đi cầm cố, thế chấp. Tôi muốn hỏi điều này có đúng không? Nếu mang đi cầm cố thì có ảnh hưởng gì tới pháp luật không? – Bảo An (Bình Dương)
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật dân sự, Sổ bảo hiểm xã hội không phải là đối tượng được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán.
Tương tự, Điều 27 của Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định, sổ BHXH chỉ được cấp lại, đổi khi mất, hỏng hoặc điều chỉnh nội dung. Trường hợp cầm cố, thế chấp sổ thì sẽ không được cấp lại.
Nếu cầm cố, thế chấp sổ nhưng lại khai là bị mất thì sẽ thuộc vào trường hợp “kê khai không đúng sự thật” để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do dó sẽ bị phạt từ 01 – 02 triệu đồng (theo Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Ngoài ra, việc cầm cố Sổ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tham gia BHXH. Cụ thể như khi làm thủ tục hưởng các chế độ BHXH (bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần…), việc có sổ bảo hiểm xã hội là điều kiện cần.