Tài sản bảo đảm là một trong những khái niệm mà nhiều người có nhu cầu vay ngân hàng thường nghe đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cụ thể tài sản bảo đảm là gì?
Tài sản bảo đảm là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 295 Bộ luật Dân sự:
Tài sản bảo đảm là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
Trong đó, bên bảo đảm theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP là người đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là người cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh;
– Là tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở trong trường hợp tín chấp;
– Là bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ với biện pháp cầm giữ.
Như vậy, có thể hiểu tài sản đảm bảo là tài sản thuộc sở hữu của một bên, được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ với người/tổ chức khác thông qua các hình thức như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ…
Đồng thời, về tính chất của tài sản bảo đảm, Điều 296 Bộ luật Dân sự nêu rõ, đây có thể là tài sản đang tồn tại hoặc tài sản hình thành trong tương lai và giá trị của nó có thể lớn, bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ mà nó đảm bảo.
Tài sản nào được dùng để bảo đảm nghĩa vụ?
Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP nêu rõ các loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm:
– Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai trừ trường hợp bị cấm mua bán, chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sở hữu tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm. Trong đó có thể kể đến:
- Tài sản hiện có: Là nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh (đã hình thành) và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Sổ đỏ) hoặc là ô tô đã được cấp đăng ký xe…
- Tài sản hình thành trong tương lai: Nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng, chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng (theo Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản)…
– Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu. Việc bảo lưu quyền sở hữu được hiểu là bên bán sẽ vẫn được sở hữu tài sản mua bán cho đến khi bên mua thực hiện hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán.
– Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ. Trong đó, hợp đồng song vụ là loại hợp đồng mà cả hai bên đều có nghĩa vụ với nhau.
– Tài sản thuộc sở hữu toàn dân: Tài sản vô chủ; bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu; là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật…
Một tài sản có thể bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ không?
Khoản 1 Điều 296 Bộ luật Dân sự nêu rõ:
Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Như vậy, không phải mọi trường hợp một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ mà chỉ trong trường hợp giá trị của tài sản đó tại thời điểm thực hiện giao dịch lớn hơn tổng các giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm.
Ví dụ, ngôi nhà của ông A có giá trị 02 tỷ đồng. Ông A dùng căn nhà này để thế chấp cho ngân hàng B với lần lượt từng khoản vay là 500 triệu đồng và 300 triệu đồng. Khi đó, giá trị căn nhà lớn hơn tổng hai khoản vay của ông A nên có thể chỉ cần thế chấp mình căn nhà này để thực hiện 02 khoản vay nêu trên.
Tuy nhiên, nếu một tài sản bảo đảm nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo bằng văn bản cho các bên cùng nhận bảo đảm, bên giữ tài sản (nếu có) sau khi biết về việc tài sản này đang dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác.
Đặc biệt, khi một trong các nghĩa vụ đến hạn thì tất cả các nghĩa vụ đều được coi là đến hạn và đều được tham gia xử lý tài sản.
Cách xử lý tài sản bảo đảm khi không trả được nợ
Trong trường hợp thế chấp, cầm cố, các bên có thể thỏa thuận các biện pháp xử lý tài sản bằng các cách nêu tại Điều 303 Bộ luật Dân sự gồm:
– Bán đấu giá tài sản;
– Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
– Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
– Phương thức khác.
Nếu không có thỏa thuận thì tài sản thế chấp, cầm cố sẽ được bán đấu giá trừ trường hợp có quy định khác.
Trên đây là giải đáp về tài sản đảm bảo là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
Tìm hiểu thêm: