Thẻ căn cước công dân là gì?
Căn cước công dân (CCCD) là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân.
Những nội dung trên thẻ Thẻ Căn cước Công dân?
Mặt trước của thẻ Căn cước công dân bao gồm các thông tin bằng tiếng Việt (có ngôn ngữ phụ là tiếng Anh) bao gồm: Ảnh người được cấp; Số định danh cá nhân; Họ và tên khai sinh; Tên gọi khác; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quê quán; Nơi thường trú; Ngày, tháng, năm hết hạn.
Mặt sau của thẻ có những thông tin sau: Bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; Vân tay Ngón trỏ, đặc điểm nhân diện của người được cấp thẻ; Đặc điểm nhận dạng; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; Họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ; Dấu của cơ quan cấp thẻ.
Số thẻ căn cước công dân cũng đồng thời cũng là số định danh cá nhân. Mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân riêng, không lặp lại. Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Với mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm làm giả, thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip điện tử.
Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân?
+ Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.
+ Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.
Nơi cấp thẻ căn cước công dân?
Ngoài việc hiểu rõ được Thẻ căn cước công dân là gì? Chúng ta cần tìm hiểu xem ai sẽ là người cấp thẻ này. Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân:
– Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Bộ Công an;
– Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Tại cơ quan quản lý Căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
– Cơ quan quản lý Căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Mức thu lệ phí?
+ Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
+ Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân
+ Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí?
Theo quy định pháp luật có các trường hợp miễn lệ phí sau:
+ Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;
+ Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
+ Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Các trường hợp không phải nộp lệ phí như sau:
+ Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân;
+ Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân;
+ Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân. (Theo quy định tại Thông tư 59/2019/TT-BTC)