Tranh chấp về lối đi không có Sổ đỏ giải quyết thế nào?

Tranh chấp về lối đi là tranh chấp phổ biến trên thực tế, đồng thời nhiều trường hợp tranh chấp cũng rất phức tạp, nhất là căn cứ để giải quyết tranh chấp. Vậy, tranh chấp về lối đi nhưng không có Sổ đỏ giải quyết thế nào?

1. Tranh chấp về lối đi có phải là tranh chấp đất đai?

Việc xác định tranh chấp về lối đi có phải là tranh chấp đất đai hay không rất quan trọng; nếu là tranh chấp đất đai thì phát sinh thủ tục tiền tố tụng (thủ tục trước khi khởi kiện) theo quy định của pháp luật đất đai. Do đó, tranh chấp về lối đi cần được xem xét theo hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Tranh chấp về quyền mở lối đi qua

Căn cứ khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2013, chủ bất động sản ở phía trong (bất động sản bị vây bọc) mà không có lối đi hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ bất động sản ở phía ngoài (bất động sản vây bọc) dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Các bên thỏa thuận về vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

Tóm lại, tranh chấp về quyền mở lối đi qua giữa chủ bất động sản bị vây bọc với chủ bất động sản vây bọc là tranh chấp dân sự. Nếu đương sự lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện thì có quyền khởi kiện luôn tại Tòa án.

Trường hợp 2: Tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm đất giữa những người sử dụng đất liền kề

Tùy từng trường hợp cụ thể để xác định khi nào là tranh chấp đất đai nhưng hầu hết các vụ việc xảy ra do hành vi lấn, chiếm đất giữa những người sử dụng đất liền kề trên thực tế là tranh chấp đất đai.

Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm giữa những người sử dụng đất liền được xác định là tranh chấp đất đai (tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất).

2. Cách giải quyết tranh chấp về lối đi không có Sổ đỏ

2.1. Cách giải quyết khi xảy ra tranh chấp về quyền mở lối đi qua

Về mặt lý thuyết thì có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, khởi kiện. Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa các bên nên trên thực tế khởi kiện là phương thức có hiệu quả nhất.

Tranh chấp về quyền mở lối đi qua là tranh chấp dân sự nên thủ tục giải quyết được thực hiện theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự, bao gồm những bước cơ bản sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Bước 2: Tiếp nhận và thụ lý đơn

Bước 3: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Xem chi tiết: Tranh chấp về lối đi qua được giải quyết như thế nào?

2.2. Cách giải quyết tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm đất giữa những người sử dụng đất liền kề

Tương tự như tranh chấp về quyền mở lối đi qua, về lý thuyết thì có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, khởi kiện hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân có thẩm quyền để giải quyết nhưng trên thực tế hầu hết các bên lựa chọn những phương thức giải quyết sau:

* Hòa giải: Bên thứ ba làm trung gian hòa giải khi xảy ra tranh chấp đất đai chủ yếu là trưởng thôn, trưởng ấp, tổ trưởng tổ dân phố, công chức địa chính hoặc đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Phương thức giải quyết tranh chấp này trên thực tế có hiệu quả khá cao, nhất là khu vực nông thôn.

* Khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết

Dù là khởi kiện hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết thì các bên tranh chấp phải hòa giải bắt buộc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất (theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013).

Đây là thủ tục tiền tố tụng bắt buộc, nếu không hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất thì sẽ không được khởi kiện luôn tại Tòa án hoặc nộp đơn luôn để đề nghị Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Lưu ý: Tranh chấp đất đai mà không có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì các bên tranh chấp chỉ được lựa chọn khởi kiện hoặc nộp đơn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết.

3. Căn cứ giải quyết tranh chấp về lối đi khi không có Sổ đỏ

(Căn cứ này áp dụng khi tranh chấp về lối đi là tranh chấp đất đai)

Khoản 1 Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:

– Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra.

– Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đất đai đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho 01 nhân khẩu tại địa phương.

– Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước.

– Quy định pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Trên đây là quy định giải đáp cho vướng mắc: Tranh chấp về lối đi không có Sổ đỏ giải quyết thế nào? Theo đó, có nhiều phương thức giải quyết như thương lượng, hòa giải, khởi kiện; trong những phương thức này thì khởi kiện là phương thức giải quyết có hiệu quả nhất.

Nhìn chung, tranh chấp đất đai nói chung và tranh chấp về lối đi nói riêng trên thực tế là một vấn đề tương đối phức tạp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy gọi ngay đến tổng đài tư vẫn miễn phí về đất đai 0926 220 286 của Luật Dân Việt.

Xem thêm:

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan