Khi nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai thì người khởi kiện phải nộp đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết để tránh trường hợp trả lại đơn khởi kiện, mất thời gian.
Khởi kiện tranh chấp đất đai ở đâu?
Để nộp đơn đúng Tòa án có thẩm quyền, người khởi kiện cần xác định chính xác thẩm quyền Tòa án như sau:
Bước 1: Thẩm quyền theo loại việc
Căn cứ khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Theo quy định trên, cần xác định thế nào là tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể:
Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”
Theo quy định này, tranh chấp đất đai có nhiều loại, gồm cả tranh chấp phải hòa giải theo quy định của pháp luật về đất đai và tranh chấp không phải hòa giải mà được khởi kiện luôn tại Tòa án, cụ thể:
– Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất (gọi chung là cấp xã) theo quy định của pháp luật đất đai trước khi muốn khởi kiện tại Tòa án (đây là tranh chấp đất đai – áp dụng quy định của pháp luật đất đai để giải quyết).
– Tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,…những loại tranh chấp này không bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện tại Tòa án (đây là những tranh chấp về dân sự hay còn gọi là tranh chấp liên quan đến đất đai).
Như vậy, dù những tranh chấp trên nếu khởi kiện đều là những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng trước khi khởi kiện thì tranh đất đai bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất, những tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất thì không bắt buộc phải hòa giải.
Bước 2: Thẩm quyền theo cấp
Căn cứ theo điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp tranh chấp đất đai mà có đương sự ở nước ngoài (trên thực tế chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện).
Bước 3: Thẩm quyền theo lãnh thổ
Điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với đối tượng tranh chấp là bất động sản như sau:
“Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”
Theo đó, tranh chấp đất đai, tranh chấp về nhà ở thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân nơi có nhà, đất xảy ra tranh chấp.
Kết luận: Trên đây là quy định giải đáp thắc mắc về việc khởi kiện tranh chấp đất đai ở đâu? Hiện nay, khi xảy ra tranh chấp đất đai (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) thì sau khi hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất nếu khởi kiện thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp. Muốn biết toàn bộ quy định về giải quyết tranh chấp đất đai hãy xem tại: Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.
Tìm hiểu và tham khảo thêm: