Hiện nay, đất đang tranh chấp có được cấp Sổ đỏ không

Câu hỏi: Hiện tại gia đình tôi đang chuẩn bị hồ sơ để xin cấp Sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký nhà và đất quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, đất của tôi không được cấp sổ đỏ vì lý do đang có tranh chấp. Cụ thể , Văn phòng đăng ký đất đai từ chối cấp vì có đơn đề nghị dừng cấp Sổ đỏ của ông N. Nội dung đơn ông N trình bày là đất đang có tranh chấp về mốc giới. Vậy trường hợp của tôi bị từ chối cấp Sổ đỏ có đúng không? – Minh Hải (Hoàng Mai)

Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ.

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Đất đang tranh chấp có được cấp Sổ đỏ không?

Theo Điều 101 Luật Đất đai 2013 quy định về cấp Sổ đỏ đối với đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:

 

2.Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

Theo quy định trên, trường hợp đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp Sổ đỏ khi đáp ứng các điều kiện:

– Mảnh đất đó đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai.

– Nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, xác định đất không có tranh chấp là một trong những điều kiện quan trọng để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Sổ đỏ. Do đó, trường hợp đất của gia đình bạn đang xảy ra tranh chấp thì không được cấp Sổ đỏ.

Để thực hiện cấp Sổ đỏ trong trường hợp này, trước tiên cần giải quyết tranh chấp sau đó thực hiện thủ tục cấp Sổ đỏ cho đất.

Đất đang tranh chấp có được cấp Sổ đỏ không? (Ảnh minh họa)

Giải quyết tranh chấp đối với đất không giấy tờ thế nào?

Pháp luật cho phép người dân giải quyết tranh chấp đất đai không có Sổ đỏ theo nhiều cách khác nhau, cụ thể:

Thứ nhất, hòa giải tranh chấp đất đai:

Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định:

 

“Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”.

 

Tự hòa giải và hòa giải ở cơ sở là cách thức được Nhà nước khuyến khích khi có phát sinh tranh chấp đất đai mà không mang tính bắt buộc. Nếu các bên tự hòa giải thành sẽ kết thúc tranh chấp đất đai.

Khi các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân:

Căn cứ khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, đối với trường hợp tranh chấp mà không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì chỉ được lựa chọn giải quyết tranh chấp theo một trong hai hình thức:

– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền.

– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, cần lưu ý do tranh chấp của bạn liên quan đến việc xác định người có quyền sử dụng đất nên trước khi yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND hoặc khởi kiện tại Tòa án, bạn bắt buộc phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã.

Tóm lại, trường hợp đất đang có tranh chấp cần giải quyết tranh chấp thông qua tại UBND có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án sau đó bạn mới có thể thực hiện thủ tục cấp Sổ đỏ cho đất.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan