Để thực hiện đăng ký thành công thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần quan tâm, chú ý đến một số vấn đề như về thủ tục, nội dung hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh, nơi có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ…
Cá nhân, tổ chức sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có nhu cầu mở rộng hoạt động của doanh nghiệp tại các địa điểm khác nhau, khác với địa chỉ trụ sở chính ban đầu ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền.
Đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là một hoạt động không quá khó khăn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên để thực hiện đăng ký thành công nội dung này cần quan tâm chú ý đến một số vấn đề chính như về thủ tục, nội dung hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh, nơi có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ…
Để tìm hiểu rõ hơn về những nội dung trên quý độc giả có thể tham khảo một số chia sẻ của chúng tôi dưới đây:
Địa điểm kinh doanh là gì?
Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh, buôn bán trong lĩnh vực được quy định trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh đã đăng ký trước đó với cơ quan có thẩm quyền, hay ghi nhận trong điều lệ công ty.
Địa điểm kinh doanh có thể đặt tại nhiều địa điểm khác nhau tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu mở rộng địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó địa điểm kinh doanh có thể đặt ở trong cùng một tỉnh thành, hoặc khác tỉnh so với địa chỉ trụ sở chính mà ban đầu doanh nghiệp đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Địa điểm kinh doanh là một địa điểm cố định được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên địa điểm kinh doanh không có quyền hạn tách bạch so với trụ sở chính, mà thực hiện nhiệm vụ, hoạt động do doanh nghiệp giao cho.
Địa điểm kinh doanh không đồng nghĩa với chi nhánh, hay văn phòng đại điện của doanh nghiệp.
Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh gồm những gì?
Doanh nghiệp muốn thành lập đia điểm kinh doanh cần chuẩn bị những vấn đề sau:
Doanh nghiệp sẽ ra quyết định thành lập địa điểm kinh doanh trong đó ghi nhận vấn đề về tên địa điểm kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh, nơi địa điểm kinh doanh đặt tại nơi có trụ sở chính hay chi nhánh của doanh nghiệp.
Sau thời hạn mười ngày kể từ ngày doanh nghiệp có quyết định thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần gửi văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thông báo doanh nghiệp gửi đến cơ quan nhà nước sẽ bao gồm một số nội dung chính như sau:
– Mã số doanh nghiệp được cấp trước đó khi thực hiện đăng ký doanh nghiệp với cơ quan thẩm quyền.
– Tên, địa chỉ trụ sở chính hoặc địa chỉ chi nhánh của doanh nghiệp trong trường hợp địa điểm kinh doanh được đặt ở nhiều nơi.
– Tên và địa chỉ của địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Ghi rõ địa điểm kinh doanh hoạt động trong những lĩnh vực gì trong khuôn khổ lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp đã đăng ký trước đó.
– Thông tin người đứng đầu địa điểm kinh doanh về họ tên, nơi cư trú, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu Việt Nam đối với người Việt Nam, hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh khác có hiệu lực đối với trường hợp là người nước ngoài.
– Trường hợp thành lập địa điểm kinh doanh tại trụ sở chính trực thuộc doanh nghiệp cần ghi thông tin về họ tên, chữ ký của người đại điện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là giám đôc, tổng giám đốc…
– Trường hợp thành lập địa điểm kinh doanh tại chinh nhánh cần có thông tin về họ tên, chữ ký người đứng đầu chi nhánh.
Nộp hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh ở đâu?
Sau khi đã chuẩn bị được những thông tin trên thì doanh nghiệp tiến hành gửi hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư của tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, hoặc nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh.
Hoặc doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Người tiến hành nộp hồ sơ có thể là người có thẩm quyền của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định pháp luật.
Sau khi tiếp nhận được hồ sơ của doanh nghiệp cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, sau đó tiến hành trả kết quả cho doanh nghiệp.
Các bước thành lập địa điểm kinh doanh
Để thành lập địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp cần trải qua các bước sau:
Bước 1- Chuẩn bị hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh
Doanh nghiệp muốn thành lập địa điểm kinh doanh cẩn chuẩn bị một bộ hồ sơ như đã trình bay cụ thể như trên. Ngoài ra cần lưu ý về các vấn như sau:
Về tên của địa điểm kinh doanh cần có thành phần chính là tên địa điểm kinh doanh, tên doanh nghiệp, hoặc tên chi nhánh với trường hợp thành lập địa điểm kinh doanh tại nơi đặt chi nhánh doanh nghiệp.
Tên của địa điểm kinh doanh được ghi bằng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo chữ cái F, J, Z, W, ngoài ra còn có thể có phần số, phần ký hiệu đặc biệt kèm theo, rõ nghĩa, có thể đọc được.
Địa điểm kinh doanh có thể nằm tại nhiều địa điểm khác nhau, có địa chỉ rõ ràng, cụ thể, không thuộc nơi pháp luật cấm đặt địa điểm kinh doanh.
Ngoài ra cần chọn ra người có tư cách, quyền hạn đứng đầu địa điểm kinh doanh.
Bước 2- Gửi thông báo thành lập địa điểm kinh doanh đến cơ quan có thẩm quyền
Doanh nghiệp sẽ gửi thông báo bằng văn bản về việc thành lập địa điểm kinh doanh đến cơ quan thẩm quyền sau mười ngày ra quyết định thành lập địa điểm kinh doanh.
Trong văn bản này cần nêu rõ thông tin như chúng tôi đã chia sẻ ở trên, ngoài ra còn cần lưu ý về chủ thể có thẩm quyền tiến hành nộp đơn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hoặc người ủy quyền theo văn bản.
Bước 3- Cơ quan có thẩm quyền xem xét và trả kết quả cho doanh nghiệp
Sau khi tiếp nhận hồ sơ cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra tính hợp lệ mà doanh nghiệp đã cung cấp.
Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành nhập thông tin vào cơ sở giữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông tin về địa điểm kinh doanh, nếu doanh nghiệp có nhu cầu, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tiến hành sửa đổi bộ sung thông tin theo hướng dẫn.