Năm 2020, xây nhà không phép bị xử lý thế nào?

Theo quy định của Luật Xây dựng, trước khi khởi công xây dựng nhà ở tại đô thị phải có giấy phép xây dựng. Vậy, trường hợp người dân xây nhà không phép bị xử lý thế nào?

Khi nào xây nhà phải có giấy phép?

Theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 107 Luật Xây dựng 2014, điều kiện khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ cần có giấy phép xây dựng đối với nhà ở theo quy định phải có giấy phép.

Căn cứ Điều 89 Luật Xây dựng 2014, nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị và nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa tại khu vực nông thôn thì phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng.

Lưu ý:

– Khực đô thị gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.

– Khu vực nông thôn là khu vực còn lại.

Như vậy, trước khi xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn và nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa tại khu vực nông thôn phải có giấy phép xây dựng. Nếu khởi công mà không có giấy phép thì bị xử lý.

Xây nhà không phép có thể bị phá dỡ

* Mức phạt tiền khi không có giấy phép

Theo khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng bị phạt tiền như sau:

– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa tại nông thôn.

– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

* Mức phạt khi vẫn tiếp tục xây dựng hoặc tái phạm

Theo khoản 8 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đối với trường hợp xây dựng không có giấy phép đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục xây dựng bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa tại khu vực nông thôn.

– Phạt tiền từ 35 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

Căn cứ khoản 9 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm thì phạt tiền như sau:

– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa tại khu vực nông thôn.

– Phạt tiền từ 70 – 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

* Biện pháp khắc phục hậu quả

Theo khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, ngoài mức phạt tiền trên thì người có hành vi xây dựng nhà không phép bị áp dụng biện khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm nếu mà hành vi vi phạm đã kết thúc (đã xây xong).

Đối với nhà ở xây dựng không phép mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

– Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.

– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

– Hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân vi phạm không xin được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình.

Lưu ý: Quy định trên đây áp dụng từ ngày 15/01/2018; ngoài ra có những trường hợp xây dựng không phép, trái phép không bị tháo dỡ.

Xem chi tiết tại: 8 trường hợp xây dựng không phép, trái phép không bị phá dỡ

Kết luận: Trên đây là quy định trả lời câu hỏi xây nhà không phép bị xử lý thế nào? Theo đó, đối với người xây nhà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền với mức cao nhất là 30 triệu đồng (nếu không tái phạm hoặc tiếp tục xây dựng). Trường hợp chưa xây xong thì có quyền đề nghị giấy phép xây dựng để không bị tháo dỡ nếu đủ điều kiện.

Xem thêm và tham khảo:

Cách xử lý khi diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ

Khi nào xây dựng nhà ở không cần phải xin giấy phép?

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan