Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 là một trong những văn bản pháp luật quy định về tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức với các sáng tạo trí tuệ của mình.
Sở hữu trí tuệ là một khái niệm càng ngày càng trở nên quen thuộc với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam. Song không phải vì quen thuộc, nhắc đến nhiều mà mọi người hiểu được các nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như giải đáp được câu hỏi Sở hữu trí tuệ là gì?
Hiểu được những hạn hẹp của Khách hàng về các thông tin tài sản sở hữu trí tuệ, nên trong bài viết ngày hôm nay, Luật Dân Việt thực hiện bài viết dưới đây. Chúng tôi hi vọng những thông tin trong bài viết sẽ làm Khách hàng có cái nhìn chính xác về tài sản trí tuệ này.
Khái niệm sở hữu trí tuệ?
Tính đến hiện tại thì chưa có văn bản nào giải thích về tài sản trí tuệ là gì cũng như việc sở hữu trí tuệ được hiểu như nào? Song từ hoạt động thực tế, chúng ta có thể hiểu trí tuệ là sự sáng tạo, tìm hiểu dựa vào năng lực của con người, thông qua hoạt động nghiên cứu, học tập, áp dụng kiến thức khoa học để tạo ra các tài sản trí tuệ.
Và Sở hữu trí tuệ chính là sự sở hữu của cá nhân, tổ chức, có quyền sở hữu đối với những tài sản trí tuệ đó. Nói cụ thể hơn sở hữu trí tuệ chính là sở hữu các quyền hợp pháp xuất phát từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật và công nghiệp.
Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, quyền sở hữu này bao gồm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành – Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Khi đã hiểu được Sở hữu trí tuệ là gì? thì việc tìm hiểu bản chất thực sự của Quyền sở hữu trí tuệ cũng trở nên đơn giản hơn.
Như vậy dựa trên khái niệm của quyền sở hữu trí tuệ ta có thể hiểu việc cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bỏ thời gian, tiền bạc, công sức nghiên cứu, sáng tạo để xây dựng, hoàn thành các tài sản trí tuệ theo quy định pháp luật sẽ được công nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Và những tài sản trí tuệ sẽ được pháp luật bảo hộ chặt chẽ hơn nữa khi nhận được sự bảo hộ độc quyền về quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng.
Đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ?
Đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ là tài sản trí tuệ. Như đã nói trên đây, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Mỗi quyền sở hữu trí tuệ cụ thể này sẽ có đối tượng bảo hộ khác nhau, chi tiết như sau:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm của mình sở hữu hoặc do mình sáng tạo ra. Theo đó, đối tượng bảo hộ của quyền tác giả bao gồm các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật.
Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với cuộc biểu diễn, bản ghi hình, chương trình phát sóng… theo đó, đối tượng bảo hộ của quyền này là các cuộc biểu diễn, bản ghi hình, chương trình phát sóng,…
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức đối với kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh do cá nhân, tổ chức sở hữu hoặc do sáng tạo ra. Theo đó, các đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp gồm: kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân với giống cây trồng mới do mình phát hiện và phát triển hoặc chọn tạo hoặc được hưởng quyền sở hữu. Theo đó, đối tượng bảo hộ của quyền này chính là các giống cây trồng mới.
Tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ?
Việc đăng ký sở hữu trí tuệ là việc làm không bắt buộc song lại mang ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ các tài sản trí tuệ.
Thông qua việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì các cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo hộ khi có phát sinh tranh chấp, đồng thời hạn chế được các vấn đề ăn cắp, làm giả, làm nhái các tài sản trí tuệ như: tác phẩm, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,…
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tạo điều kiện khuyến khuyến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, kèm theo việc đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu còn là một trong những chính sách hiệu quả, tạo sự thu hút từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như tạo điều kiện cho việc giao thương buôn bán, sản xuất sang các thị trường lớn nhỏ.
Xem thêm:
Đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm tại Việt Nam như thế nào?
Hướng dẫn Đăng ký bảo hộ logo công ty
Đăng ký sở hữu trí tuệ ở đâu?
Hiện tại, cơ quan có thẩm quyền giải quyết với các trường hợp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ là Cục sở hữu trí tuệ hoặc Cục bản quyền tác giả. Người nộp hồ sơ đăng ký có thể lựa chọn hình thức nộp hồ sơ bằng giấy hặc đăng ký trực tiếp trên dịch vụ công trực tuyến để hoàn tất thủ tục.
Với trường hợp nộp hồ sơ bằng giấy hay kê khai trực tuyến thì cuối cùng Khách hàng vẫn phải gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện nếu ở xa cơ quan tiếp nhận, hồ sơ phải được gửi đến địa chỉ của Cục Sở hữu trí tuệ:
– Trụ sở chính tiếp nhận giải quyết hồ sơ và cấp văn bằng độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội có địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
– Văn phòng đại diện tại Hồ Chí Minh của Cục Sở hữu trí tuệ có địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng của Cục Sở hữu trí tuệ có địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.