Khác với Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân (CCCD) mã vạch và CCCD gắn chip phải đổi theo độ tuổi. Vậy trên 60 tuổi có cần đổi CCCD gắn chip không?
Câu hỏi: Em có một thắc mắc mong anh (chị) giải đáp giúp, trước đây, bà nội em dùng CMND 9 số nhưng bị mất và mới làm lại CCCD mã vạch năm 2020. Năm nay ở xã lại có thông báo gọi đổi CCCD gắn chip, bà em đã 89 tuổi, có bắt buộc phải đổi không, nếu không đổi thì có bị phạt hay gì không ạ? Em xin cảm ơn – Nguyễn Văn Thìn (Hưng Yên)
Trả lời:
Trên 60 tuổi có cần đổi CCCD gắn chip không?
Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi (theo khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014).
Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi nêu trên vì được sử dụng đến độ tuổi tiếp theo. Tức là, người dân làm thẻ khi đủ 23 tuổi thì được dùng CCCD đến khi 40 tuổi, tương tự, khi đủ 38 tuổi thì được dùng CCCD đến khi đủ 60 tuổi và khi đủ 58 tuổi thì không phải đổi CCCD nữa.
Hiện nay, khi cấp đổi, cấp lại, Chứng minh nhân dân, CCCD mã vạch người dân đều sẽ được cấp CCCD gắn chip.
Mặt trước thẻ CCCD gắn chip ghi thời hạn sử dụng tại phần “Có giá trị đến/Date of expiry”. Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ đủ 58 tuổi trở lên phần này sẽ được ghi: “Không thời hạn”.
Theo đó, CCCD mã vạch và gắn chip được đổi lần cuối cùng khi công dân đủ 60 tuổi (bao gồm cả trường hợp cấp, đổi, cấp lại khi đủ 58 tuổi), sau đó sẽ không phải đổi nữa. Nếu hiện nay, đang dùng CMND 9 số, 12 số đã hết hạn thì dù trên 60 tuổi cũng phải thực hiện đổi sang CCCD gắn chip, việc đổi này là do CMND cũ đã hết thời hạn chứ không phải đổi theo độ tuổi.
Như vậy, trường hợp bà bạn đã 89 tuổi và đang dùng CCCD mã vạch được cấp năm 2020 thì không bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip, chỉ đổi nếu có yêu cầu.
Trên 60 tuổi có cần đổi CCCD gắn chip không? (Ảnh minh họa)
Không đổi CCCD gắn chip có bị phạt không?
– Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND theo Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP:
+ CMND hết thời hạn sử dụng;
+ CMND hư hỏng không sử dụng được;
+ Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
+ Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
– Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Nếu thuộc một trong các trường hợp trên mà không thực hiện cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân gắn chip thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng theo điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Việc cấp đổi/cấp lại CCCD mã vạch sang gắn chip, thời điểm hiện tại, Luật Căn cước công dân 2014 và các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa đặt ra cơ chế xử phạt. Song nếu thuộc các đối tượng phải đổi/cấp lại CCCD thì người dân nên chủ động đi làm.
Do đó, người trên 60 tuổi đang sử dụng CMND, CCCD mã vạch còn thời hạn sử dụng thì vẫn được dùng bình thường, không bắt buộc phải đổi và đương nhiên cũng không bị phạt.